Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chương trình quốc gia để bảo vệ giá trị Hội Gióng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 22/1, tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức lễ đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội).

KTĐT - Sáng 22/1, tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức lễ đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội).

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc đã trở thành Di sản văn hóa của nhân loại trong 213 di sản văn hóa phi vật thể của các quốc gia trên thế giới.

Bà Katherine Muller-Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã trao bằng của UNESCO ghi danh Hội Gióng là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho thành phố Hà Nội.

Bà trình bày bản đánh giá của UNESCO về Hội Gióng, trong đó nhấn mạnh Hội Gióng ăn sâu trong đời sống của các cộng đồng dân cư vùng châu thổ sông Hồng như một phần bản sắc, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên một dòng chảy liên tục. Việc ghi danh Hội Gióng vào danh sách Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ góp phần thúc đẩy tính sáng tạo của con người và thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn hóa, góp phần quảng bá di sản văn hóa phi vật thể nói chung.

Tại buổi lễ, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã công bố chương trình hành động Quốc gia bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Hội Gióng giai đoạn 2011-2015, với các nội dung hoàn thiện kết quả kiểm kê khoa học của Hội Gióng, cập nhật hàng năm; xây dựng chính sách ưu đãi với những người thực hành lễ hội Thánh Gión ở các huyện Sóc Sơn, Từ Liêm, Gia Lâm, Đông Anh, Thường Tín và quận Long Biên; sưu tập phân loại, dịch ra chữ Quốc ngữ các văn bia, thần tích, sắc phong liên quan tới Thánh Gióng.

Cùng với đó, Nhà nước hỗ trợ tạo điều kiện cho Ban quản lý di tích đền Phù Đổng, Trung tâm du lịch di tích đền Sóc và cộng đồng các địa phương tổ chức Hội Gióng như tập quán lâu nay, ngăn ngừa xu hướng thương mại hóa và sân khấu hóa lễ hội; hỗ trợ cộng đồng phục hồi đầy đủ Hội Gióng ở các làng của huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Từ Liêm, Thường Tín; bảo tồn tôn tạo những di sản vật thể ở đền Phù Đổng, đền Sóc và các di tích liên quan đến Thánh Gióng ở các làng xã của Hà Nội.

Chương trình cũng đề cập đến việc hỗ trợ cộng đồng tổ chức các nghi lễ, trò diễn của Hội Gióng; đưa công nghệ thông tin phục vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản; cải tiến nâng cao chất lượng giảng dạy về truyền thuyết Thánh Gióng và Hội Gióng trong trường phổ thông và đại học; mở chuyên mục tuyên về Hội Gióng từ tháng Giêng đến tháng Tư âm lịch hàng năm; khuyến khích hỗ trợ cộng đồng xây dựng trang web về Hội Gióng để phát triển du lịch bền vững…

Là lễ hội lớn và đặc sắc tưởng nhớ Thánh Gióng, trong “tứ Thánh bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Hội Gióng cũng là lễ hội độc nhất vô nhị của người Việt ở châu thổ Bắc bộ.

Từ những hương lễ, Hội Gióng đã trở thành hội vùng và có tầm cỡ quốc gia. Lễ hội độc đáo này được cộng đồng bảo tồn, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, gìn giữ như một phần bản sắc của mình, chứa đựng những sáng tạo mang tầm nhân loại, thể hiện khát vọng về một cuộc sống thịnh vượng cho mỗi gia đình, về một nền hòa bình cho quốc gia và thế giới.

Hội Gióng ở đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) và đền Sóc (huyện Sóc Sơn) được Tổ chức giáo dục văn hóa khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 16/11/2010.

Cùng với Hoàng Thành Thăng Long, Bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu, Hội Gióng là di sản thứ 3 của Hà Nội được UNESCO vinh danh trong năm 2010, năm kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội./.