Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chương trình xây dựng nông thôn mới: Chủ trương đúng đắn hợp lòng dân

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội nghị sơ kết thực hiện 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thông báo kết luận nêu rõ, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, quan trọng và có tính chiến lược để thực hiện thành công Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng, nhà nước, đã được nhân dân đồng tình và hưởng ứng tích cực. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Qua 5 năm thực hiện, Chương trình đã tạo đột phá lớn trong phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội ở nông thôn, làm thay đổi nhận thức của đa số cán bộ và người dân, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng; Chương trình xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào thi đua, phong trào quần chúng sôi nổi và đều khắp trong cả nước...

Đến nay có 1.965 xã đạt 19 tiêu chí (đạt 22%) tăng thêm 4,9% so với cuối năm 2015, bình quân cả nước đạt 13,0 tiêu chí/xã (tăng 8,3 tiêu chí so với 2010); đã có 23 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ kế hoạch năm 2016 phù hợp với định hướng Chương trình trong giai đoạn 2016-2020; rà soát lại quy hoạch, đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của từng vùng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời xây dựng thí điểm một số mô hình xử lý chất thải rắn và nước thải, mô hình cung cấp nước sạch sinh hoạt nông thôn theo hướng xã hội hóa nhất là xã đảo, xã bãi ngang ven biển, các xã khó khăn về nguồn nước sinh hoạt; tập trung hoàn thiện các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, nhất là đối với những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn; từng bước có giải pháp, cơ chế chính sách để cải thiện một bước về môi trường nông thôn một cách toàn diện; chỉ đạo thực hiện Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương rà soát, ban hành Bộ tiêu chí cấp xã giai đoạn 2016-2020, tiếp cận theo hướng làm rõ hơn về nội hàm của các tiêu chí, phù hợp với điều kiện thực tế, nhất là tiêu chí "mềm" liên quan tới sinh kế, việc làm, thu nhập và đời sống tinh thần của cư dân nông thôn; tăng cường thẩm quyền của cấp tỉnh, linh hoạt trong việc ban hành tiêu chí về cơ sở hạ tầng nhất là với các vùng khó khăn, vùng đặc thù (miền núi, bãi ngang ven biển...), để đảm bảo Chương trình được thực hiện mang hiệu quả thực chất cho đời sống của người dân. 

Đối với các địa phương đã được công nhận nông thôn mới, cần có biện pháp nâng chất, củng cố, phát huy các giá trị đã đạt được để trở thành nông thôn mới kiểu mẫu cho các xã khác tham khảo, thực hiện. 

Đối với tiêu chí huyện nông thôn mới, khẩn trương hướng dẫn theo Quyết định 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và quá trình đô thị hóa, gắn kết với tỉnh về quy hoạch hạ tầng, dân cư và phát triển sản xuất.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông và thi đua khen thưởng năm 2016; khẩn trương ban hành kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng yêu cầu tiêu chuẩn thi đua phải cao hơn, tập trung vào những tiêu chí liên quan đến sản xuất, văn hóa, an ninh, xã hội, môi trường; tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tổ chức trao giải thưởng báo chí hàng năm về nông thôn mới.

Phát huy hợp tác quốc tế trong xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tranh thủ nguồn lực các nước và tổ chức quốc tế cho chương trình; tổ chức đoàn công tác đi khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xây dựng nông thôn mới.