Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển biến nhưng chưa rõ nét

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 3 năm triển khai, Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Khóa XV về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011 - 2015" trên địa bàn TP đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.

Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đang dần hình thành ở nhiều làng quê. Mặc dù vậy, để nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện chương trình vẫn còn khá nhiều tồn tại, khó khăn cần phải tháo gỡ.

 Bài 1: Xóa dần những hủ tục

Từng bước xóa bỏ dần tình trạng ăn uống linh đình và các hủ tục trong đám cưới, đám tang, giảm bớt chi phí và phiền hà cho người dân là kết quả đáng ghi nhận trong việc xây dựng nếp sống văn minh ở ngoại thành thời gian qua. Điều đó không chỉ khẳng định chủ trương đúng đắn của Thành ủy, HĐND, UBND TP mà còn góp phần xây dựng hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Cưới văn minh

Cùng với việc triển khai Chương trình 04, Chỉ thị số 11 của Thành ủy về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn Hà Nội đã mang lại luồng gió mới cho nếp sống văn hóa ở ngoại thành. Bà Đào Thị Bốn, cụm 9, xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng chia sẻ, trước đây, mỗi đám cưới ở xã tổ chức kéo dài 2 - 3 ngày, ăn uống linh đình lên tới hàng trăm mâm, gây tốn kém không nhỏ cho gia chủ. Tuy nhiên, từ khi địa phương triển khai thực hiện nếp sống mới đến nay, mỗi đám cưới chỉ tổ chức ngắn gọn trong một ngày, không mời thuốc lá, không đánh bạc và mời không quá 300 khách. Đặc biệt, nhiều đám cưới đã được tổ chức theo nếp sống mới tại nhà văn hóa thôn với các thủ tục đơn giản, gọn nhẹ, tiệc trà, bánh kẹo nhưng vẫn đảm bảo đầm ấm, vui tươi vì có sự tham gia chúc phúc của các tổ chức đoàn thể tại địa phương. Từ đầu năm 2014 đến nay, Đảng ủy xã Thọ Xuân đã giao cho Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên đứng ra tổ chức 2 đám cưới theo hình thức tiệc trà này.
Đám cưới theo nếp sống văn minh của cặp đôi Trọng Hải - Trần Thùy (xã Tân Lập - huyện Đan Phượng) tổ chức tháng 5/2013. Ảnh Thành Đô
Đám cưới theo nếp sống văn minh của cặp đôi Trọng Hải - Trần Thùy (xã Tân Lập - huyện Đan Phượng) tổ chức tháng 5/2013. Ảnh Thành Đô
Theo đại diện UBND huyện Đan Phượng, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, huyện đã ban hành Quy định tạm thời về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ và ứng xử văn hóa. Kết quả, trong năm 2013, toàn huyện đã có trên 500 đám cưới cơ bản được thực hiện theo nếp sống văn minh và hơn 2.100 người cao tuổi được tổ chức mừng thọ với hình thức tập thể đảm bảo trang trọng, tiết kiệm. Đặc biệt, Hội Nông dân huyện còn giao chỉ tiêu mỗi cơ sở hội tổ chức ít nhất một đám cưới theo nếp sống văn minh và chỉ đạo các chi hội làm theo. Nhờ đó, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn huyện tiếp tục có những bước chuyển biến tích cực.

Tương tự, tại xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, trước đây, mỗi đám cưới thường kéo dài 2 - 3 ngày, ăn uống linh đình, lãng phí. Tuy nhiên, đến nay, 100% đám cưới được tổ chức gọn trong một ngày, mời khách ăn một bữa, không thuê nhạc sống. Ông Kiều Việt Khi - Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm, xã còn quy định, trước ngày cưới, cô dâu và chú rể phải đến UBND xã làm thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật và làm cam kết với xã, thôn về chấp hành quy chế tổ chức đám cưới của xã. Nhờ đó, mỗi đám cưới đã tiết kiệm được 20 - 25 triệu đồng so với trước.

 Không chỉ có Đồng Trúc, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới cũng được triển khai tại nhiều xã khác của huyện Thạch Thất như Bình Yên, Phùng Xá, Thạch Hòa, Cẩm Yên, thị trấn Liên Quan... Theo thống kê của Huyện ủy Thạch Thất, trong năm 2013, toàn huyện có 1.174/1.467 đám cưới tổ chức theo nếp sống văn minh (chiếm 80%), trong đó đáng chú ý là trên 90% đám cưới tổ chức  trong ngày, với lượng khách mời phù hợp.

Nhiều tiến bộ  trong tổ chức việc tang

Ngoài xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, thực hiện việc tang văn minh tiến bộ cũng đang được nhiều địa phương tích cực hưởng ứng. Một trong những địa phương đi đầu toàn TP về thực hiện nếp sống này là xã Yên Sở (huyện Hoài Đức). Điểm đáng ghi nhận của Yên Sở là không phải đến khi được chọn làm xã điểm nông thôn mới của huyện hay có Chỉ thị của Thành ủy, thực hiện việc tang văn minh mới được đưa ra bàn thảo, mà cách đây gần 20 năm, vấn đề này đã được người dân đồng thuận và đưa vào hương ước làng. Trong đó quy định rõ, các gia đình không để người chết quá 24 giờ, đồng thời giảm ăn uống cỗ bàn linh đình, chỉ gói gọn thành phần con cháu trong gia đình. Trừ những trường hợp đặc biệt có con cháu ở xa không về kịp mới được để đến 48 giờ nhưng phải có sự thẩm định của Trạm Y tế xã. Ông Nguyễn Đình Hùng thực hiện nghi lễ hỏa táng cho bố là cụ Nguyễn Đình Tụng (sinh năm 1933) mất hồi đầu năm 2014 chia sẻ, việc hỏa táng vừa tiết kiệm chi phí, đảm bảo vệ sinh lại giảm được ăn uống cỗ bàn nên anh em trong gia đình, họ hàng đều đồng tình, ủng hộ. Theo đại diện xã Yên Sở, việc thực hiện tang văn minh bắt đầu từ năm 1995, song thực sự có chuyển biến mạnh mẽ khoảng 4 - 5 năm trở lại đây. Đến nay, số người quá cố được thực hiện hỏa táng theo nếp sống văn minh trong việc tang chiếm tỷ lệ khá cao, từ 70,3% - 74%.

Tại huyện Ba Vì, sau 3 năm thực Chương trình 04, đám tang ở một số nơi bỏ tục lăn đường, không khóc mướn, không rắc vàng mã, không tổ chức ăn uống linh đình, bỏ thuốc lá trong đám tang… Qua đó, tình trạng phô trương, lãng phí trong việc tang giảm nhiều; các hủ tục lạc hậu trong việc tang cơ bản được bài trừ; 100% các xã, thị trấn, làng, khu dân cư đều tổ chức, hình thành và từng bước kiện toàn Ban tang lễ. Ông Nguyễn Văn Hà - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ba Vì cho biết, 3 năm qua, toàn huyện có 96% số đám tang thực hiện đúng theo nếp sống văn minh và đúng theo các quy định của Nhà nước và TP. Điển hình là việc vận động và hỗ trợ cho các trường hợp sang cát mỗi ngôi mộ chỉ 200 viên gạch và 100kg xi măng tại xã Phong Vân được dư luận và người dân đồng tình ủng hộ. Nhiều địa phương duy trì các mô hình văn minh trong việc tang có hiệu quả như: Minh Châu, Minh Quang, Tản Hồng, Thuần Mỹ...

Có thể nói, sau 3 năm thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và mừng thọ ở cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực. Các chuẩn mực, giá trị văn hóa, đạo đức lối sống, thuần phong mỹ tục được khôi phục và phát huy tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Bài 2: Vẫn còn “đánh trống bỏ dùi”