Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyện đảo chiều của nước Anh

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa Thu năm 2015, trong chuyến công du tới Bắc Kinh để mở đường cho chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Anh vào tháng 10 sau đó, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne ca ngợi và dự báo về “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ Anh - Trung…

Đó là thời điểm mà London theo đuổi chính sách phù hợp với lợi ích của Bắc Kinh. 6 tháng trước đó, bất chấp phản đối mạnh mẽ từ đồng minh Mỹ, Anh là nước đầu tiên trong nhóm G7 gia nhập Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) - một thiết chế tài chính do Trung Quốc khởi xướng, với ý định vươn lên thành đối thủ cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới (WB) do phương Tây kiểm soát.
Cũng trong mùa Hè năm đó, trước loạt động thái của Trung Quốc như xây các đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông, tấn công mạng, phá giá đồng Nhân dân tệ…, chính quyền Thủ tướng Anh David Cameron vẫn “im lặng” một cách kỳ lạ.
5 năm sau, chẳng còn gì nhiều nơi tầm nhìn tươi sáng mà ông Osborne đã nói. Bất chấp khó khăn tài chính và cú sốc chính trị liên quan đến Brexit, chính quyền Thủ tướng Boris Johnson đang theo đuổi quan điểm cứng rắn chưa từng có với Trung Quốc.
Sự “trưởng thành” của Anh…
Sau nhiều tháng đồn đoán, Chính phủ London hôm 14/7 ra quyết định cấm Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc tham gia phát triển mạng di động 5G tại Anh vì lý do an ninh. Mặc dù thông báo trên thực tế chỉ là sự đảo ngược quyết định của một vấn đề cụ thể, nhưng động thái này cho thấy chiến thắng mang tính biểu tượng của những người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc tại Anh - những người vốn đã không mấy thoải mái với sự hợp tác ngày càng sâu rộng của London với Bắc Kinh trong 2 thập kỷ qua. Phe ủng hộ cách tiếp cận “phân tách” của Anh trong quan hệ với Trung Quốc lập luận rằng, những lợi ích mà Trung Quốc từng hứa hẹn 5 năm trước đây là mộng ảo, khiến London phải trả giá, từ việc bị đồng minh chê trách xem thường, cho đến an ninh bị đe dọa.
Lợi ích mà chính quyền ông Cameron hy vọng có được là các khoản đầu tư chất lượng cao từ Trung Quốc, cũng như việc Bắc Kinh mở cửa thị trường cho các DN, nhà đầu tư Anh tiến vào thị trường rộng lớn. Tuy nhiên, theo Financial Times, kể từ năm 2010 đến nay, đăng ký đầu tư của Trung Quốc vào Anh đạt 114,4 tỷ USD, nhưng 2/3 trong số này đổ vào đầu tư tài chính và các ngành công nghệ thấp như mua sắm bất động sản, vận tải hậu cần...
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại tiệc chiêu đãi của Nữ hoàng Anh Elizabeth II ở Cung điện Buckingham năm 2015.
Trong khi đó, dự án kỳ vọng về hệ thống kết nối sàn chứng khoán Trung - Anh gần như đóng băng. Vụ việc Huawei mới đây cũng cho thấy, London thiếu một chiến lược rõ ràng khi tìm kiếm đường lui. Loại “gã khổng lồ” viễn thông của Trung Quốc, Anh chưa có một lựa chọn để thay thế về mặt công nghệ, đó là chưa kể đến việc nước này đã sử dụng thiết bị của Huawei trong mạng 3G và 4G trước đây. Vấn đề tương tự cũng xảy ra với dự án nhà máy điện hạt nhân do CGN Trung Quốc xây dựng tại Anh, hiện đang trong quá trình hoàn thiện sau ký kết tại Bắc Kinh năm 2014.
“Người ta gọi đó là “kỷ nguyên vàng” nhưng tôi thì thích cách gọi “sai lầm vàng” hơn”, Charles Parton, Nhà ngoại giao kỳ cựu Anh chuyên trách về Trung Quốc bình luận. 
Ngày 19/7 vừa qua, Chsinh quyền ông Johnson tiếp tục gây bất ngờ, khi Ngoại trưởng Dominic Raab không chỉ đe dọa hủy bỏ các thỏa thuận dẫn độ với đặc khu hành chính Hongkong (Trung Quốc), mà còn cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền ở khu tự trị Tân Cương, phía Tây Trung Quốc. Chưa dừng ở đó, theo The Times đưa tin hồi tuần trước, các nhà hoạch định quân sự của Anh đang ấp ủ kế hoạch đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới đồn trú ở Thái Bình Dương, cho một lộ trình hoạt động tự do hàng hải bao gồm cả Biển Đông, như một phần trong liên minh quốc tế nhằm đối phó với Trung Quốc. Trong một chia sẻ với báo giới sau đó, Bộ trưởng Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của Vương quốc Anh Oliver Dowden nói rằng nước này muốn có một mối quan hệ “hiện đại và trưởng thành” với Trung Quốc.
“Một mối quan hệ mà chúng tôi có thể thẳng thắn lên tiếng về những điều chúng tôi không tán thành, đồng thời hợp tác với Trung Quốc ở những vấn đề có lợi ích đan xen giữa 2 bên” - ông Dowden lý giải.
… hay áp lực từ Mỹ?
Đáp lại sự đảo chiều ngày một rõ ràng của Anh, Trung Quốc liên tiếp đưa ra nhiều cảnh báo, nhưng tựu trung đều chỉ đích danh Mỹ là kẻ đứng sau. Một phát ngôn viên của Chính phủ Bắc Kinh cáo buộc London thông đồng với Washington để hạ bệ Huawei và phân biệt đối xử với các công ty Trung Quốc. Trong khi Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh tuyên bố “sẽ là động thái nguy hiểm” nếu London “chia bè kéo phái với Mỹ để đối phó với Trung Quốc” bằng cách triển khai quân sự. Thời báo Hoàn cầu cũng có bài lập luận, cho thấy những căng thẳng gần đây trong quan hệ Anh - Trung Quốc khiến người ta thắc mắc về mức độ can thiệp của Mỹ đối với chính sách ngoại giao hiện nay của chính quyền Thủ tướng Boris Johnson.
Đáng nói, nhiều chuyên gia phương Tây cũng có nhận định này. Theo đó, với quyết tâm nhanh chóng hoàn thành một thỏa thuận thương mại hậu Brexit, chính quyền ông Johnson được cho đã chịu không ít áp lực từ các nhà đàm phán Washington, đòi hỏi phải quay lưng với Trung Quốc. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer thậm chí nhiều lần nhắc lại rằng Thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) sẽ là hình mẫu cho các thỏa thuận thương mại mà nước này tham gia trong tương lai. Trong đó cho phép Washington có quyền xem xét hoặc phủ quyết bất kỳ thỏa thuận thương mại nào mà các bên tham gia ký kết với một “nền kinh tế phi thị trường” - thuật ngữ vốn bao hàm Trung Quốc theo cách đánh giá của Mỹ trước nay. Giới phân tích tin rằng, các nhà đàm phán Mỹ muốn có điều khoản tương tự trong các thỏa thuận với Anh.
Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên khi Ngoại trưởng Anh tuần này tuyên bố sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Bắc Kinh, đúng vào thời điểm đón nhà đồng cấp Mỹ Mike Pompeo tới London để tổ chức các cuộc đàm phán, trong đó các vấn đề Trung Quốc được báo cáo là một trong những trọng tâm của chương trình nghị sự.
“Động thái gần đây của Anh với Huawei là hành động thể hiện sự trung thành với Mỹ và nhằm củng cố vị thế của London giai đoạn hậu Brexit”, Giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Cao đẳng Hoàng gia London Kerry Brown nêu quan điểm, nhưng cũng lưu ý về những rủi ro trong lựa chọn này của Anh, nhất là khi cuộc bầu cử Mỹ sắp tới có thể đem đến những thay đổi mang tính bước ngoặt.
Hướng tiếp cận đa phương
Bất kể là sự chủ động của London hay sức ép từ Washington, “nạn nhân” rõ ràng nhất lúc này trong mối quan hệ bị đảo chiều này là kim ngạch thương mại hàng năm gần 88 tỷ USD giữa 2 quốc gia. Dự báo về “một cơn giông bão lớn” - Phó Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách RUSI Charles Parton cho rằng Trung Quốc có thể sẽ tung các đòn ngoại giao trả đũa, chẳng hạn như đe dọa cắt giảm đầu tư và xuất khẩu sang Anh, hạn chế du lịch và thậm chí là cả lượng sinh viên sang Anh học tập - hoạt động ước tính mang lại cho các trường ĐH của Anh khoảng 2,14 tỷ USD/năm. Điều này chắc chắn không khác gì cơn ác mộng đối với một nước Anh khó khăn khi chính thức rời Liên minh châu Âu (EU) vào cuối năm nay.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia đang ngày càng đặt hy vọng vào khả năng Anh tham gia một nhóm các quốc gia nào đó để cùng xây dựng một lực lượng có sức ảnh hưởng, mà cụ thể ở đây là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - thỏa thuận thương mại tự do mà Anh đang đề nghị tham gia. Một số quan chức Anh xem CPTPP là một công cụ để London có thể qua đó tiếp cận Trung Quốc ở một vị thế mạnh mẽ hơn. Đồng tình với những quan điểm này, ông Parton nhận định: “Chúng ta nên xích lại gần các quốc gia cùng chung chí hướng để thể hiện một mặt trận thống nhất… không phải theo cách thù địch, mà là những phương thức thương mại vẫn thường thúc đẩy”.
“Nếu họ muốn làm ăn với chúng ta, họ sẽ phải tự điều chỉnh theo các tiêu chuẩn đó. Đứng cùng nhau và kiên định lập trường này, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn” - vị chuyên gia có 22 năm kinh nghiệm làm việc về vấn đề Trung Quốc giải thích.

"Động thái gần đây của Anh với Huawei là hành động thể hiện sự trung thành với Mỹ và nhằm củng cố vị thế của London giai đoạn hậu Brexit." - Giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Cao đẳng Hoàng gia London Kerry Brown