Thành tích ấy hiện có rất ít địa phương trên địa bàn Hà Nội làm được.
Hiệu quả từ những hỗ trợ thiết thực
Trước khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực (ngày 1/7/2013), huyện Thanh Oai có tổng số 29 HTX. Giống như nhiều địa phương khác, các HTX nơi đây cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình chuyển đổi HTX theo luật. Đơn cử, số lượng thành viên tham gia HTX ít, mức góp vốn điều lệ thấp, thiếu vốn để mở rộng các dịch vụ, trình độ cán bộ quản lý còn hạn chế…
Hợp tác xã Hoàng Long - một trong những mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả tại Thanh Oai. Ảnh: Trọng Tùng |
Nhận thức được vấn đề này, ngay khi có văn bản của Thành ủy về triển khai thực hiện Chương trình hành động số 24-Ctr/TU về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn TP”, huyện Thanh Oai đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo, thường xuyên tuyên truyền và phối hợp với Liên minh HTX TP hướng dẫn các HTX triển khai công tác chuyển đổi theo luật. Bà Đỗ Thị Kim Dung - Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai cho biết, đối với các HTX nông nghiệp thực hiện chuyển đổi, huyện ban hành cơ chế hỗ trợ 30 triệu đồng/HTX. Mức hỗ trợ đối với mỗi HTX chuyên ngành nông nghiệp là 15 triệu đồng. Xã viên HTX còn được huyện hỗ trợ 50% giá giống lúa, đậu tương và 40% giá giống khoai tây. Bên cạnh tích cực triển khai đề án cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, huyện phối hợp cùng Liên minh HTX TP tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ các HTX...
Nhờ những hỗ trợ cụ thể, thiết thực nêu trên, tính đến nay, 24/24 HTX trên địa bàn huyện đã hoàn thành việc chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 và đang tiếp tục phát triển (5 HTX hoạt động không hiệu quả đã được hướng dẫn tiến hành các thủ tục giải thể). Các HTX hiện thu hút sự tham gia của trên 38.000 thành viên, người lao động, với mức thu nhập bình quân hàng tháng đạt trên 2,3 triệu đồng/người.
Tiếp tục đồng hành cùng HTX
Xác định việc phát triển mô hình kinh tế tập thể là hướng đi giúp bà con nông dân và xã viên thoát nghèo, huyện Thanh Oai đặc biệt chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX. Với sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT Hà Nội, cùng tư vấn hướng dẫn của Liên minh HTX TP, huyện đã xây dựng được những thương hiệu nông sản gắn với các HTX. Đơn cử như: HTX nông nghiệp Kim An với thương hiệu Cam đường, HTX nông nghiệp Tam Hưng có “Gạo Bối Khê”, HTX Thanh Văn có “Gạo Bồ Nâu”, hay HTX Hoàng Long với “Thực phẩm sạch A - Z”… Hoạt động hiệu quả của các HTX không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung, mà còn góp phần đưa địa phương từng bước hoàn thành tiêu chí số 13 trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Quan trọng hơn là nhờ đó, thu nhập của xã viên không ngừng được nâng cao, đời sống người dân ngày một được cải thiện.
Ông Bùi Văn Sáng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, hoàn thành việc chuyển đổi các HTX theo Luật HTX năm 2012 chỉ là bước đầu của đổi mới kinh tế tập thể. Việc tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động cho các HTX vẫn sẽ là nhiệm vụ xuyên suốt thời gian tới. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, triển khai có hiệu quả các chính sách của T.Ư, TP Hà Nội có liên quan, huyện sẽ xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể điển hình tiên tiến, nhất là ở các lĩnh vực ngành nghề mới như: Vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch, bảo quản chế biến nông sản… Đồng thời, củng cố các HTX gắn với xây dựng nông thôn mới. Ông Sáng cũng chia sẻ thêm, thời gian qua, địa phương đã nhận được sự hỗ trợ lớn của Sở NN&PTNT Hà Nội và Liên minh HTX TP. Tuy nhiên, trước biến động của kinh tế thị trường, kiến nghị TP tiếp tục quan tâm, sớm có cơ chế về cấp đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ kinh phí triển khai chương trình cơ giới hóa nông nghiệp; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng nhãn hiệu và bao tiêu sản phẩm cho các HTX. Đây sẽ là động lực để các HTX trên địa bàn huyện Thanh Oai nói riêng, Hà Nội nói chung có thêm những bước tiến mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế tập thể của Thủ đô.