Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng là cấp bách

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Kinh tế thế giới về cơ bản đang trong quá trình phục hồi sau khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008-2009), nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn và rủi ro do cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và các thách thức phát triển ngày càng gay gắt.

Ngày 6/6, Bộ ngoại giao đã tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm của các nước thành viên Diễn đàn hợp tác Đông Á và Mỹ La-tinh (FEALAC) về chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm phát triển bền vững.”

Hội thảo là cơ hội chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên, đúc rút thành khuyến nghị, định hướng, nguyên tắc chung nhằm giúp các nước trong khối xây dựng mô hình tăng trưởng mới.

Các đại biểu đã thảo luận về những kinh nghiệm phục hồi sau khủng hoảng tài chính toàn cầu của các nước như kiểm chế lạm phát và các chính sách thúc đẩy; kinh nghiệm vượt bẫy thu nhập trung bình; kinh nghiệm phòng ngừa khủng hoảng tài chính.
 
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng là cấp bách - Ảnh 1
 
 
Đại điện các thành viên Diễn đàn hợp tác Đông Á và Mỹ La-tinh tham gia hội thảo. (Ảnh: Vietnam+)
 

Nhiều đại biểu cho rằng, kinh tế thế giới về cơ bản đang trong quá trình phục hồi sau khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008-2009), nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn và rủi ro do cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và các thách thức phát triển ngày càng gay gắt. Tất cả những vấn đề trên về bản chất đều có một mẫu số chung là khủng hoảng về mô hình tăng trưởng và cuộc khủng hoảng (2008-2009) đã bộc lộ những khuyết điểm này theo nhiều mức độ khác nhau.

Bà Fanny de Lourdes Puma Puma, Đại sứ Cộng hòa Ecuador phát biểu, nước này đề xuất thành lập một cấu trúc kinh tế và tài chính quốc tế mới vì hệ thống kinh tế và tài chính hiện tại là bất hợp lý và trái với các nguyên tắc của phát triển bền vững. Kiến trúc này sẽ có sự tham gia tích cực của các nước đang phát triển trong quá trình đưa ra quyết định trên mức độ quốc tế.

"Cái mà chúng ta đang theo đuổi là một trật tự thế giới dân chủ và đa phương. Kiến trúc về thể chế của thế giới đó sẽ ủng hộ đa phương hóa, thúc đẩy các quá trình hội nhập và hợp tác một cách đột phá cũng như phát triển những đối thoại chính trị ôn hòa," bà Fanny nói.

Chính vì vậy, đại diện các nước trong diễn đàn thống nhất cho rằng, yêu cầu cấp bách đang đặt ra với các quốc gia là chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Bởi, các nước Đông Á và Mỹ La-tinh đã từng chịu tác động của các cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính trong các giai đoạn trước đây và hiện đang duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao sau khủng hoảng. Tuy nhiên, một số nước đang phải đối mặt với thách thức cả ngắn hạn (lạm phát, nợ xấu…) và dài hạn (bẫy thu nhập trung bình), dẫn tới nhu cầu tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Đông Á và Mỹ La-tinh thời gian qua đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình của thế giới đồng thời đạt nhiều thành tựu ấn tượng trong phát triển xã hội, trở thành những điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế toàn cầu.

“Khu vực Đông Á và Mỹ La-tinh dự kiến sẽ đóng góp 66% vào tăng trưởng kinh tế của thế giới trong năm 2013 và xu hướng này có khả năng sẽ duy trì tiếp tục trong nhiều năm tới.

Tuy nhiên, chúng ta không thể thỏa mãn với những thành công đã đạt được. Các nước Đông Á và Mỹ La-tinh, phần lớn là các nền kinh tế đang phát triển, còn cả một chặng đường dài để có thể đạt được sự bền vững cả về kinh tế, môi trường và xã hội. Kinh nghiệm của khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua cho thấy nhiều mô hình tăng trưởng được coi là thành công trong quá khứ đã không còn phù hợp, các thành quả phát triển có thể bị đẩy lùi nếu các nước không có những phản ứng chính sách hợp lý,” Bộ trưởng nói.
 
Diễn đàn hợp tác Đông Á – Mỹ Latinh (FEALAC) được thành lập từ tháng 9/1999 tại Singapore và được đánh giá là một diễn đàn hiệu quả trong việc tăng cường hiểu biết và hợp tác kinh tế, xã hội, văn hóa giữa các nước thành viên.

Việt Nam là thành viên sáng lập Diễn đàn FEALAC và là đồng chủ trì Nhóm Công tác Kinh tế, xã hội nhiệm kỳ 2011 – 2013 (cùng với Ecuador). Tại cương vị này, Việt Nam đã đăng cai tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm của các nước thành viên FEALAC về chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm phát triển bền vững,” trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao FEALAC lần thứ VI tại Bali-Indonesia trong hai ngày 13 và 14/6/2013 tới đây.