Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển đổi số: Cùng với nghĩ, nói thật là phải làm thật

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi nói về quá trình chuyển đổi số trong 6 tháng đầu năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, phải nghĩ thật - nói thật - làm thật. Phải lấy người dân, DN là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu,

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thăm các gian trưng bày chuyển đổi số của ngành ngân hàng. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thăm các gian trưng bày chuyển đổi số của ngành ngân hàng. Ảnh: VGP

Nhiều kết quả nổi bật

Tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số vừa diễn ra, nhận xét về tiến trình chuyển đổi số của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022, Chủ tịch Ủy Ban, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, với sự quyết tâm và nỗ lực từ chính quyền cho đến người dân, công tác chuyển đổi số đã tiến thêm những bước quan trọng, góp phần phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Trên thực tế, ngay từ mặt nhận thức, đặc biệt là của người đứng đầu các cấp, các ngành về chuyển đổi số đã có nhiều chuyển biến. Điều này đã dẫn đến quá trình thực hiện được mạnh mẽ hơn. Thời điểm hiện tại, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nghị quyết của cấp ủy, kế hoạch của chính quyền 5 năm và hằng năm về chuyển đổi số. Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của toàn bộ 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương được thành lập và đi vào hoạt động.

Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số cũng được đẩy mạnh. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 8 văn bản quan trọng về chuyển đổi số (6 Quyết định, 1 Chỉ thị, 1 Nghị định), trong đó có phê duyệt Ngày 10/10 hằng năm là Ngày chuyển đổi số quốc gia.

Hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số tiếp tục được phát triển ở từ T.Ư đến địa phương, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu chuyển đổi số. Được biết, tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đã tăng 32,7%, mạng di động tăng 4,7% so với cùng kỳ. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, đã kết nối đến 100% huyện, hơn 97% xã trên toàn quốc.

Đáng chú ý, các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai. Bộ Công an đã tích cực, phối hợp với các bộ, ngành triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bên cạnh đó là tích hợp, kết nối và mở rộng thu thập dữ liệu dân cư, từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số.

Hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối liên thông với 11 bộ, ngành, 4 DN Nhà nước và 14 địa phương tiếp tục làm giàu dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”. Hệ thống này đang quản lý thông tin của 27 triệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm thông tin của 98 triệu người dân. Bước đầu đưa vào thí điểm triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước phục vụ người dân khám chữa bệnh, rút tiền tại các cây ATM...

Bên cạnh đó, dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.699 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hơn 2,1 triệu tài khoản đăng ký (tăng hơn 2,8 lần so với cùng kỳ); hơn 122,7 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ); hơn 4,1 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ).

Nhân lực cho chuyển đổi số cũng đang được chú trọng phát triển, đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn. Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương cũng đã bước đầu đạt kết quả tích cực, đã có 41/63 tỉnh, TP triển khai 36.300 tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với gần 200.000 thành viên tham gia.

Cùng với đó, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP tiếp tục tăng, 6 tháng đầu năm 2022 ước tính tăng 10,41% (tỷ trọng này năm 2021 ước tính là 9,6%). Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 20%. Số lượng DN công nghệ số ước đạt 67.300 DN, tăng gần 3.500 DN so với tháng 12/2021, đạt tỉ lệ 0,69 DN trên 1.000 dân. Thuế điện tử, hóa đơn điện tử được phổ cập. Tỉ lệ DN nộp thuế điện tử đạt 99%.

Người dân tích cực sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công quốc gia trong các hoạt động kinh tế, xã hội. 5 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 76% về số lượng và 30,6% về giá trị so với cùng kỳ 2021, trong đó mức độ tăng trưởng ấn tượng nhất là qua điện thoại di động (tăng 99,1% về số lượng và 86,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021) và QRCode (tăng lần lượt là 68,9% và 113,2%).

Đặc biệt, một số chỉ tiêu trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 đã sớm đạt mục tiêu đề ra như: Tỷ lệ DN sử dụng hóa đơn điện tử là 100%; Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ là 11,27%, vượt mục tiêu đề ra là 7%; Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán là 66%, vượt mục tiêu đề ra là 65%.

Người dân làm thủ tục hành chính trực tuyến qua mạng. Ảnh: Chiến Công  
Người dân làm thủ tục hành chính trực tuyến qua mạng. Ảnh: Chiến Công  

Chuyển đổi số phải là thực chất

Nói về những tồn tại, hạn chế của quá trình chuyển đổi số trong 6 tháng đầu năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý đến việc không “đánh trống bỏ dùi”. Phải lấy người dân, DN là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực chuyển đổi số và người dân, DN phải tham gia và được hưởng lợi từ chuyển đổi số.

Ví dụ tiêu biểu là dịch vụ công và các nền tảng số đang phát triển mạnh nhưng khi đưa vào thực tế thì chưa khiến người dân thấy thuận tiện, dễ dùng, thậm chí một số còn chưa khuyến kích tiếp cận và sử dụng. Điều này thể hiện qua việc tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng chưa cao, mới chỉ đạt xấp xỉ 37%. Một số dịch vụ công trực tuyến mang tính hình thức, chưa thực chất khi tỷ lệ người dân sử dụng mới chỉ đạt gần 18%.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra nguyên nhân là nằm ở nhiều lãnh đạo các cấp chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số. Công tác xây dựng thể chế, chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý cho chuyển đổi số còn chậm. Thiếu cơ chế giám sát triển khai chuyển đổi số, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ đã đề ra của các bộ, ngành, địa phương cũng như xử lý các vướng mắc.

Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia triển khai còn chậm. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu còn nhiều hạn chế, vướng mắc, chưa hiệu quả, chưa hình thành một hệ thống liên thông, thông suốt. Hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều bộ, ngành, địa phương đã đầu tư từ lâu, thiếu đồng bộ, chưa được nâng cấp, không bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Từ thực tế đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai, truyền cảm hứng, tạo ra xu thế, thúc đẩy phong trào để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu năm 2022.

Các địa phương cần lựa chọn và công bố các nền tảng số mà địa phương mình tập trung thúc đẩy trong năm 2022 để giải quyết các vấn đề của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội; triển khai hoạt động tổ công nghệ số cộng đồng hiệu quả để hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hình thành Hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ dựa trên dữ liệu theo thời gian thực, bảo đảm đồng bộ, nhất quán, chính xác.

 

Chuyển đổi số phải được triển khai đồng bộ, tổng thể trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”; đi nhanh nhưng chắc chắn, dễ làm trước, khó làm sau, đi từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn và cần được thực hiện một cách thực chất để tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, không cầu toàn, không nóng vội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính