Cụ thể, giá trị trung bình DTI cấp tỉnh trong năm 2021 là 0,4014, tăng tới 32,7% so với 2020; DTI cấp bộ cung cấp dịch vụ công là 0,4595, tăng 15,4% so với kế trước; Còn DTI cấp bộ không cung cấp dịch vụ công là 0,2151, giảm nhẹ so với một năm trước đó.
Theo Bộ TT&TT, nguyên nhân dẫn tới chỉ số DTI cấp bộ không cung cấp dịch vụ công giảm là do năm 2021 có thêm 2 cơ quan lần đầu tiên tham gia đánh giá DTI là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đây là các cơ quan mới ở giai đoạn bắt đầu chuyển đổi số.
Cũng theo báo cáo, có 12/89 bộ, tỉnh có giá trị DTI 2021 đạt từ mức 0,5 trở lên, chiếm 13,48%. Điều này cho thấy quá trình chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương năm 2021 vẫn ở giai đoạn đầu, chưa có sự bứt phá lớn.
Trong nhóm 17 bộ, ngành cung cấp dịch vụ công, Bộ Tài chính giữ vị trí đứng đầu, với giá trị 0,6321, tăng 0,13 so với so với năm 2020. Bộ KH&ĐT và Bảo hiểm xã hội Việt Nam mỗi cơ quan cùng tăng 1 bậc, vươn lên xếp vị trí thứ 2 và thứ 3 trên bảng xếp hạng.
Các vị trí tiếp theo trong top 10 lần lượt thuộc về các bộ, ngành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ TT&TT, Bộ TN&MT, Bộ VHTT&DL, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Nội vụ.
Đối với 9 bộ, ngành không có dịch vụ công, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam giữ vị trí dẫn đầu với giá trị DTI 2021 là 0,4736, tăng 66,29% so với năm 2020. Hai vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Đài Truyền hình Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam.
Đối với nhóm các tỉnh, thành phố, 2 vị trí dẫn đầu vẫn thuộc về Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, với giá trị DTI 2021 của 2 địa phương đạt được là 0,6419 và 0,5872, tăng lần lượt 0,1545 và 0,1775 so với năm 2020.
TP Hồ Chí Minh đã tăng thêm 2 bậc so với năm 2020, vượt lên xếp thứ 3 trên toàn quốc. Các vị trí tiếp theo trong Top 10 địa phương dẫn đầu về DTI 2021 gồm: Bắc Ninh, Lạng Sơn, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bình Phước và Bắc Giang.
Từ kết quả đánh giá DTI 2021, Bộ TT&TT đưa ra nhận định, chỉ số DTI trung bình của các bộ, tỉnh còn thấp, do đó các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt dành nguồn lực chuyển đổi số để đạt được những mục tiêu đến năm 2025. Căn cứ DTI cấp bộ, cấp tỉnh, các bộ, ngành, địa phương có thể xây dựng DTI các cấp trực thuộc để có thể theo dõi, đánh giá DTI các cấp quản lý của mình, từ đó có đôn đốc, thúc đẩy kịp thời.