Chuyển đổi số - “cuộc cách mạng” của doanh nghiệp xuất khẩu

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Để chống chịu tốt, chuyển đổi số được coi là giải pháp vừa cấp thiết, vừa lâu dài với bất cứ DN nào muốn bắt nhịp guồng quay của nền kinh số.

Đây là một trong những nội dung chính của toạ đàm “Giải pháp cho DN xuất khẩu trong tiến trình chuyển đổi số”, do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức ngày 29/9.

Xu hướng tất yếu

Năm 2021, những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc được đánh giá là nghiêm trọng hơn nhiều so với năm 2020. Theo báo cáo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), quá trình thay đổi từ mô hình DN, mô hình quản lý truyền thống sang DN số, Chính phủ số bằng cách áp dụng công nghệ mới như: Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud), trí tuệ nhân tạo (AI)… đã thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa DN, văn hóa quản lý tại các cơ quan, tổ chức. Trong bối cảnh đầy thách thức, làn sóng chuyển đổi số đã diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thực tế, cộng đồng DN đã chủ động, tích cực tìm hướng đi mới, áp dụng chuyển đổi số trong vận hành DN để có thể duy trì tối đa hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 Các diễn giả tham gia tọa đàm (Ảnh chụp màn hình)

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đều đồng tình quan điểm, chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam nhằm đẩy mạnh hiện đại hoá hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) Nguyễn Ngọc Dũng, đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ giúp DN tham gia chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa hơn thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định. Vai trò chính trong chuyển đổi số đối với việc tận dụng cơ hội mà hiệp định thương mại tự do mang lại, chính là việc cung cấp cho các DN Việt Nam một nền tảng số để có thể tiếp cận đa dạng thị trường một cách hiệu quả hơn so với các hình thức trước đây.

“Cơ hội ngang nhau nhưng thành công là khác biệt giữa các quốc gia và DN trong từng quốc gia. Câu chuyện thành công khi xuất khẩu trực tuyến (B2B) trên nền tảng Alibaba hay bán lẻ trực tuyến qua biên giới (B2C) trên nền tảng Amazon là bài học chung cho các DN Việt Nam” – ông Nguyễn Ngọc Dũng dẫn chứng.

 Chuyển đổi số trong thương mại điện tử là lựa chọn của nhiều DN Việt Nam. Ảnh minh họa

Xây dựng kế hoạch bài bản để tăng hiệu quả, giảm rủi ro

Không phủ nhận chuyển đổi số kịp thời sẽ là giải pháp giúp cho DN duy trì hoạt động, giữ được nhịp độ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh. Hay nói cách khác là lựa chọn tối ưu để DN sẵn sàng thích nghi “sống chung với dịch”, tận dụng cơ hội để bứt phá. Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là mặc dù mô hình nền kinh tế số đang hiện hữu rõ ràng, nhưng nhiều DN, trong đó có DN nhỏ và vừa còn mơ hồ khi định hướng và triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh theo mô hình kinh tế số. Thậm chí không ít DN không biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu? trong bao lâu? khi nào hoàn thành?

Theo TS Nguyễn Tuấn Hoa – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), DN cần xây dựng kế hoạch chuyển đổi số bài bản theo từng giai đoạn. Đầu tiên là ứng dụng phần mềm vào quản lý tài chính (kế toán, thanh toán, bán hàng…). Tiếp đến là thay đổi quy trình sản xuất, xây dựng quy trình sản xuất, kinh doanh tương lai bằng việc ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất. Muốn làm được điều này phải có sự hướng dẫn, hỗ trợ của chuyên gia công nghệ số. Sau đó mới là chuyển đổi toàn diện: Ứng dụng AI, Blockchain, Big data… để phân tích hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự báo thị trường.  

Nhấn mạnh vào nội dung để quá trình chuyển đổi số đạt hiệu quả, các chuyên gia khuyến nghị, bên cạnh các chiến lược, DN cũng phải chú ý đến các rủi ro, đặc biệt là rủi ro liên quan đến pháp lý có thể phát sinh trong quá trình chuyển đổi số.

Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Cộng sự Tinh tú Nguyễn Trung Nam cho rằng, có 3 bất cập tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động thương mại điện tử với yếu tố số hóa gồm: Hợp đồng điện tử không có giá trị pháp lý, xác định danh tính và thu thập chứng cứ khi có tranh chấp. Để hạn chế những rủi ro này, các DN xuất khẩu hàng hóa sang nước ngoài cần phải tìm hiểu thông tin về thương mại điện tử trong hiệp định thương mại tự do, danh tính điện tử của các giao dịch, tiêu chuẩn của người mua hàng cũng như quy định về thủ tục hải quan và thuế tại Việt Nam.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 đã đề ra các mục tiêu khá cụ thể như: Phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, kinh tế số đóng góp 30% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần