Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển đổi số: Doanh nghiệp Việt Nam cần tuyển 150.000 nhân sự CNTT

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong thời gian ngắn và trung hạn, những ai học công nghệ thông tin sẽ dễ dàng có công việc chắc chắn. Tuy nhiên, chỉ những ai tức thời, trang bị kiến thức và kỹ năng chiều sâu về công nghệ thông tin thì sẽ có khả năng thăng tiến và thu nhập cao.

IFI tiên phong đào tạo nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số
Ngày 18/5, Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI), Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức  Họp báo “Đào tạo nhân lực cho kinh tế số”.
Viện trưởng  Viện IFI Ngô Tự Lập chủ trì buổi họp báo cho biết: “Chuyển đổi số và kinh tế số là những từ khóa rất nổi bật trong thời gian gần đây; được đưa vào trong những văn bản quan trọng nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; và trở thành nguồn cảm hứng cho xã hội Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. Chúng ta coi chuyển đổi số và kinh tế số là cơ hội lớn cho dân tộc để thực hiện hoài bão xây dựng nước Việt Nam hùng cường.
Và, con người luôn là nhân tố quyết định. Khi cơ hội đến, chúng ta có nắm bắt được cơ hội không, có thể tận dụng được tiềm năng to lớn của tương lai hay không phụ thuộc vào việc chúng ta làm gì. Vì thế các văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước đều nhấn mạnh vào vai trò của đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, cho kinh tế số. Trong nền kinh tế số đó có 3 nhân tố là nền tảng kỹ thuật, chính là công nghệ mới, trong đó đặc biệt là công nghệ thông tin (CNTT); dữ liệu thông tin truyền thông và tài chính số hóa.
 Viện IFI tiên phong đào tạo nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số
Chính vì thế, “Viện IFI đã tham gia vào nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế số. Viện IFI cũng là đơn vị tiên phong ở Việt Nam đào tạo thạc sĩ CNTT, IFI hiện cũng đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho quá trình chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 tại Việt Nam. Đặc điểm của các chương trình này là dựa trên nền tảng Công nghệ thông tin, có tính quốc tế cao, chất lượng châu Âu, cho phép người học trở thành những chuyên gia, doanh nhân, nhà lãnh đạo có năng lực hợp tác và cạnh tranh trên toàn cầu” – Giám đốc Viện IFI Ngô Tự Lập cho hay.
Ngân hàng cần nhiều nhân lực lĩnh vực Fintech
Rất khó phát triển kinh tế nếu chúng ta thiếu CNTT. Và trong nền kinh tế số, niềm hy vọng và nỗi lo đang dồn về nguồn nhân lực để tạo ra, duy trì, phát triển và vận hành hệ thống dịch vụ bằng CNTT. Theo  quan điểm của Phó Tổng Giám đốc Công ty IFI Solution Nguyễn Thành Sơn, để có nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao và đáp ứng được yêu cầu thì phải dựa vào những cơ sở đào tạo đặc biệt là các đơn vị đào tạo có tầm nhìn như Viện IFI. Đồng thời, dựa vào những DN về CNTT, các DN khác về ngân hàng chuyển đổi số trong việc sử dụng nguồn nhân lực, tự đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế số cho hoạt động sản xuất của mình...
Ông Nguyễn Thành Sơn cũng cho biết, áp lực tạo ra nguồn nhân lực đủ cho thị trường hiện nay là rất cao. Bởi theo thống kê, nhu cầu nhân lực phần mềm năm 2020 tăng gấp 4 lần so với năm 2010; mức lương của kỹ sư phần mềm có năng lực tăng gấp 3 lần so với 2010.
Và, trong 3 năm trở lại đây, nhu cầu tuyển dụng CNTT tăng 50%. Theo thống kê, năm 2021 các DN Việt Nam cần thêm 150.000 người làm công việc liên quan đến CNTT. “Trong thời gian ngắn và trung hạn, những ai học CNTT ra trường dễ dàng có công việc chắc chắn. Tuy nhiên, chỉ những ai tức thời, trang bị kiến thức và kỹ năng chiều sâu về CNTT cho chuyển đổi số mới là người chiến thắng, có khả năng thăng tiến và thu nhập cao trong tương lai. Vì thế, tôi khuyên các bạn trẻ hãy đầu tư chiến lược cho bản thân thông qua những khóa đào tạo định hướng và có chất lượng” – Phó Tổng Giám đốc Công ty IFI Solution Nguyễn Thành Sơn đưa ra lời khuyên.
Cũng về câu chuyện chuyển đổi số trong nền kinh tế số, ông Nguyễn Đức Huy – Phó Giám đốc Khối ngân hàng số, Ngân hàng MB Bank chia sẻ, trong lĩnh vực ngân hàng đã sử dụng rất nhiều nguồn nhân lực trong và ngoài để tạo ra những nền tảng số. “Nhu cầu nhân lực về CNTT trong những năm vừa qua tăng rất nhanh. Ngay cả tại Ngân hàng quân đội, nhu cầu nguồn nhân lực về CNTT đã tăng trưởng 200 – 300 %. Đến nay, để xây dựng và duy trì các nền tàng này, chúng tôi cần đội ngũ khoảng 1.000 kỹ sư trong và ngoài ngân hàng” – ông Nguyễn Đức Huy cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Huy, nhu cầu nhân sự CNTT đang đặt ra rất cao, đặc biệt trong lĩnh vực Công nghệ tài chính - Fintech. Nếu các ngân hàng không đi theo hay không áp dụng sự phát triển của công nghệ để cung cấp sản phẩm dịch vụ thì có thể phải đi sau cũng như biến mất trong bản đồ cung cấp cản phẩm tài chính trong tương lai.
“Vì thế, ngoài việc duy trì đội ngũ kỹ sư trong ngân hàng, chúng tôi có hợp tác với nhiều các đơn vị về Fintech - nơi cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính dưới một nền tảng công nghệ mà đơn vị đó đang sử dụng” – ông Đức Huy nói.