Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển đổi số tạo thuận lợi thông quan thương mại cho doanh nghiệp

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong hoạt động trong mọi lĩnh vực. Việc triển khai hiệu quả các giải pháp chuyển đổi số của ngành Hải quan góp phần tạo thuận lợi về xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...

Nhiều giải pháp đồng bộ

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, thời gian thông quan bình quân cho một tờ khai xuất khẩu giảm từ 1,9 ngày xuống còn 1,5 ngày, một tờ khai nhập khẩu giảm từ 2,3 ngày xuống còn 1,8 ngày.

Cán bộ ngành hải quan Nội Bài, Hà Nội đang xử lý  tin. Ảnh: Ngọc Linh
Cán bộ ngành hải quan Nội Bài, Hà Nội đang xử lý  tin. Ảnh: Ngọc Linh

TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (HANOISME) cho rằng, thời gian qua, hiệu quả chuyển đổi số của ngành Hải quan trong việc tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp được đánh giá cao. "Ngành Hải quan đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc triển khai chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp" - ông Mạc Quốc Anh nói.

Một số điểm nổi bật trước tiên là rút ngắn thời gian thông quan nhờ áp dụng các giải pháp như kê khai điện tử, thanh toán trực tuyến, kiểm tra sau thông quan, thời gian thông quan hàng hóa đã giảm đáng kể. Thứ nữa giảm chi phí cho doanh nghiệp do các đơn vị không còn phải tốn chi phí cho việc in ấn, vận chuyển hồ sơ giấy tờ, cũng như chi phí đi lại nộp hồ sơ trực tiếp.

Bên cạnh đó là nâng cao tính minh bạch. Việc kê khai và kiểm tra hải quan điện tử giúp tăng cường tính minh bạch trong hoạt động hải quan, hạn chế tham nhũng và gian lận.

Ngành cũng đã tăng cường kết nối với doanh nghiệp trong việc xây dựng hệ thống cổng thông tin điện tử, trang web hải quan, fanpage facebook, zalo page... để cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Việc xử lý phản hồi của cơ quan Hải quan cho doanh nghiệp được thực hiện thông qua hệ thống điện tử, tạo thuận lợi lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu, giảm thiểu chứng từ, giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan trong các khâu, các bước thực hiện thủ tục. Qua đó, giảm bớt sự tiếp xúc giữa công chức hải quan và doanh nghiệp, hạn chế các phiền hà, tiêu cực, sách nhiễu, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Thời gian tiếp nhận và thông quan đối với tờ khai luồng Xanh chỉ từ 1 - 3 giây.

Trong bối cảnh kim ngạch xuất nhập khẩu ngày càng tăng, số lượng tờ khai phát sinh lớn, việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu nghiệp vụ đã giúp ngành Hải quan đáp ứng được mức độ gia tăng nhanh chóng của khối lượng công việc. Cụ thể, năm 2023, ngành Hải quan đã giải quyết thủ tục cho hơn 14 triệu tờ khai.

Ngoài ra, việc trao đổi, chia sẻ dữ liệu điện tử với các cơ quan quản lý có liên quan, các nước trong khu vực và trên thế giới cũng thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, Cơ chế một của ASEAN đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và cơ quan Hải quan. Năm 2023, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 250 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối với sự tham gia của 67.830 doanh nghiệp.

Về Cơ chế một cửa ASEAN, Việt Nam đã kết nối chính thức để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN. Đồng thời, phối hợp với Ban thư ký ASEAN và các nước thành viên để triển khai kết nối trao đổi tờ khai hải quan ASEAN theo đúng kế hoạch, lộ trình chung…

Tiếp tục nâng cao ứng dụng công nghệ

Hệ thống thông tin hải quan điện tử VNACCS/VCIS được triển khai từ năm 2006, giúp tự động hóa nhiều quy trình nghiệp vụ hải quan, như kê khai, nộp thuế, kiểm tra... Doanh nghiệp có thể kê khai hải quan trực tuyến thông qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan, hoặc các phần mềm khai báo hải quan do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tin học phát triển.

Hải quan Vĩnh Phúc đang kiểm tra thông tin. Ảnh: Ngọc Linh
Hải quan Vĩnh Phúc đang kiểm tra thông tin. Ảnh: Ngọc Linh

Cùng với đó, doanh nghiệp có thể thanh toán thuế, phí hải quan trực tuyến thông qua hệ thống ngân hàng hoặc các cổng thanh toán điện tử. Hàng hóa được thông quan nhanh chóng, sau đó Hải quan sẽ kiểm tra hồ sơ và thực hiện kiểm tra thực tế nếu cần thiết.

Tuy nhiên, dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng việc chuyển đổi số trong ngành Hải quan vẫn còn một số hạn chế về hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Hệ thống VNACCS/VCIS cũ và đôi khi gặp sự cố, ảnh hưởng phần nào đó đến hoạt động thông quan của doanh nghiệp. Một số cán bộ hải quan còn gặp khó khăn trong việc sử dụng các hệ thống điện tử. Việc sử dụng chữ ký số còn hạn chế, khiến cho một số thủ tục hải quan phải thực hiện thủ tục giấy tờ...

Để khắc phục những hạn chế này, cần đầu tư xây dựng hệ thống thông tin hải quan hiện đại, an toàn và ổn định. Tổ chức tập huấn, đào tạo cho cán bộ hải quan về sử dụng các hệ thống điện tử. Khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân dễ dàng sử dụng chữ ký số.

Nhìn nhận về mục tiêu chuyển đổi số của Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, năm 2024, toàn ngành quyết tâm thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện dựa vào ứng dụng trí tuệ nhân tạo; Internet vạn vật; công nghệ dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn; công nghệ chuỗi khối và điện toán đám mây... trong tất cả các khâu nghiệp vụ.

Để chuyển đổi số thành công, toàn ngành cần nghiên cứu triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đặt ra trong Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đó là, tập trung nguồn lực thực hiện thành công xây dựng Hệ thống CNTT thực hiện hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan, từ đó tạo tiền đề để tiến tới thực hiện Hải quan thông minh, cửa khẩu thông minh. Hệ thống này sẽ thay thế hệ thống VNACCS/VCIS. Đây sẽ là cuộc “cách mạng” lần thứ hai về hiện đại hóa của ngành Hải quan.