Những tín hiệu khởi sắc
Thông tin từ Bộ Công Thương, xuất khẩu dệt may trong quý I/2024 đạt 9,5 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tất cả thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam đều tăng trưởng khá. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 3,42 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ; xuất khẩu sang EU đạt 855 triệu USD, tăng 3,2%; Nhật Bản vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt với kim ngạch 1 tỷ USD, tăng 10,1%.
Đáng chú ý, tính đến hết tháng 3/2024, nhiều DN dệt may đã có đơn hàng đến tháng 9/2024, thậm chí có DN đã nhận đơn hàng đến hết năm nay.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt chia sẻ, May 10 đã có đơn hàng đến hết quý II và đang tiếp tục đàm phán cho những tháng tiếp theo. Tổng doanh thu của đơn vị trong 3 tháng đầu năm đạt 1.128 tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 25 % kế hoạch năm 2024. Riêng doanh thu xuất khẩu đạt 1.020 tỷ đồng, doanh thu nội địa hơn 73,1 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ.
Hay như Công ty CP May KLW Việt Nam, tính đến hết quý I/2024, công ty đã xuất khẩu được trên 460.000 sản phẩm, giải quyết việc làm cho trên 600 lao động. Hiện, May KLW Việt Nam đang là đối tác tin cậy của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như: Hugo Bos, Puma, DKNY, Tommy Bahama… Ở thời điểm hiện tại, DN đã có đơn hàng đến quý III/2024.
Đánh giá bức tranh xuất khẩu những tháng đầu năm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho biết, nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và tình hình sản xuất của các DN đã khả quan hơn so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Sức mua hàng may mặc trên thị trường thế giới tăng lên. Phần lớn DN dệt may trong nước đã ký được đơn hàng đến hết quý II/2024, thậm chí một số đã có đơn hàng đến quý III/2024. Hiện số lượng đơn đặt hàng chủ yếu ở thị trường tiêu thụ dệt may lớn của thế giới là Mỹ, cũng là thị trường lớn nhất chiếm hơn 40% thị phần của ngành dệt may Việt Nam.
Tín hiệu đáng chú ý khác là các DN Việt Nam đã chủ động nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao trình độ tay nghề, chuyển hướng sản xuất từ hình thức chỉ nhận gia công sang hình thức tự chủ nguồn nguyên liệu, tự thiết kế và hoàn thành sản phẩm. Trong khi đó, nhiều tập đoàn bán lẻ trong khối thành viên các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Canada, Australia, khu vực châu Âu đã đến Việt Nam để tìm kiếm chuỗi cung ứng có giá thành cạnh tranh. Các nhà sản xuất, chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu tiếp tục chọn Việt Nam là nơi sản xuất và đặt hàng.
“Đây là triển vọng lớn cho xuất khẩu dệt may năm 2024. Những tín hiệu khởi sắc góp phần củng cố niềm tin, giúp các DN tăng cường đầu tư thiết bị, gia tăng quy mô sản xuất, kinh doanh để đón làn sóng nhập khẩu từ các thị trường lớn” - ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.
Cũng trong những tháng đầu năm, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại ngành hàng dệt may được các hiệp hội, DN đẩy mạnh. Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp dệt và may, thiết bị, nguyên phụ liệu và vải năm 2024 diễn ra từ ngày 10 - 13/4 tại TP Hồ Chí Minh mới đây quy tụ 1.000 đơn vị từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Triển lãm đã giới thiệu những màn trình diễn công nghệ tiên tiến, hiện đại bậc nhất thế giới trong ngành dệt may (Italy, Trung Quốc, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Mỹ, Hà Lan…), tạo cơ hội cho DN Việt tiếp cận và hướng tới xanh hóa sản xuất. Triển lãm đã cơ hội cho các DN trong và ngoài nước gặp gỡ hợp tác, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường.
Chú trọng yếu tố phát triển thị trường
Bước sang năm 2024, dự báo nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, song ngành dệt may Việt Nam vẫn quyết tâm đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với 2023. Nhận định về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, những khó khăn về đơn hàng vẫn còn, thị trường đã phục hồi nhưng còn chậm, đi kèm với đó là chi phí đầu vào cao. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng còn rủi ro, xu hướng xanh hóa, kinh doanh tuần hoàn cũng đặt ra các yêu cầu khắt khe hơn đối với hàng hóa xuất khẩu.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, bối cảnh địa chính trị và thương mại quốc tế đang có nhiều biến động, mức tồn kho cao, nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, các loại chi phí tăng cao khiến DN gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và duy trì thị trường, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên liệu. Muốn khắc phục những khó khăn, các DN cần tăng cường phát triển theo chiều sâu, chủ động tìm kiếm, tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, nhất là vải; phát triển hệ thống phân phối, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.
Bên cạnh đó, để đạt được các mục tiêu lâu dài, ngành dệt may Việt Nam cần thay đổi trong tầm nhìn, chiến lược, trong đó, cần tập trung phát triển chuỗi sản xuất dệt may hoàn chỉnh quy mô lớn; đầu tư thiết bị hiện đại, tự động hóa cao, áp dụng chuyển đổi số; quản trị tự động theo thời gian thực, sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường… Ðồng thời, DN cần tìm được hướng đi phù hợp, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội cho người lao động; đẩy lùi những khó khăn, hướng về mục tiêu lâu dài phát triển ngành theo hướng bền vững.
Lạc quan về cơ hội và triển vọng xuất khẩu từ nay đến cuối năm, Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang phân tích: ngành dệt may Việt Nam đang có những ưu thế so với các quốc gia cạnh tranh. Ưu thế đầu tiên là Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 FTA; cũng là quốc gia duy nhất ký kết FTA với tất cả các đối tác như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Eu, Anh, Liên bang Nga. Đây đều là những thị trường đang có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa đang ấm lên. Ở trong nước, mặt bằng lãi suất cho vay giảm đáng kể, giúp giảm sức ép chi phí lãi vay, trong khi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về thuế, đất đai… được kéo dài trong năm 2024.
Chú trọng việc theo dõi, dự báo tình hình để ứng phó linh hoạt, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu cho hay: dự kiến tổng cầu dệt may thế giới trong năm 2024 ở mức 715 tỷ USD, tăng nhẹ so với 2023 nhưng vẫn thấp hơn năm 2022. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 của tập đoàn là kiên định thực hiện những giải pháp đã đề ra.
Trong mọi trường hợp, khi xác định khó khăn kéo dài, các giải pháp thông thường không hiệu quả, tập đoàn sẽ chuyển sang bài toán tái cơ cấu. Theo đó, Vinatex sẽ rà soát soát lại mô hình tổ chức, tối ưu hóa bộ máy, giảm tối đa tỷ lệ lao động gián tiếp, đồng thời tập trung vào công tác thị trường.
“Cầu dệt may giảm sẽ dẫn đến cạnh tranh cao trong việc giành đơn hàng, công tác thị trường là yếu tố quan trọng hàng đầu. Các đơn vị cần củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác thị trường, xây dựng chiến lược bài bản trong việc xác định phân khúc sản phẩm, phát triển thị trường và khách hàng mới” - ông Cao Hữu Hiếu lưu ý.
Để vượt qua các khó khăn, đạt mục tiêu xuất khẩu đã đề ra, các DN trong ngành cần đa dạng hóa thị trường, mặt hàng và khách hàng; đầu tư phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực. Đặc biệt, các DN cần chủ động đón đầu làn sóng chuyển đổi xanh, điều chỉnh quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ mới để duy trì tính cạnh tranh, đáp ứng theo nhu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang