VN-Index vượt đỉnh lịch sử
Phiên sáng 21/3, sau khi chạm và vượt đỉnh lịch sử cách đây 11 năm (1.170,67 điểm), VN-Index lại để mất mốc 1.170 điểm.
Ảnh minh họa. |
Thời điểm 9h30 sáng 21/3, lực cầu dâng cao đã đẩy hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn bứt phá và điều này giúp nới rộng sắc xanh của cả hai chỉ số. Trong đó, VN-Index vượt đỉnh lịch sử từ ngày đầu thành lập (1.170,67 điểm) và đứng ở mức 1.172,29 điểm. Ngân hàng tiếp tục là tâm điểm đầu phiên khi dòng tiền chảy vào các cổ phiếu đầu ngành như VCB, CTG, BID. Các ông lớn này đang thiết lập các vùng đỉnh mới trong thời gian gần đây tạo hiệu ứng tích cực cho toàn thị trường. Bất động sản cũng có sự tăng trưởng khi VIC đi lên trung hòa hiệu ứng tiêu cực từ đà giảm của ROS. Dòng tiền có xu hướng đi vào một số cố phiếu có biến động mạnh như FLC, HAR, SCR…
Tuy nhiên, đến cuối phiên sáng, áp lực bán có phần tăng cao ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn và điều này khiến VN-Index tuột khỏi đỉnh lịch sử. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khác là SAB, HDB, VRE… cũng đều giảm giá và làm ảnh hưởng khá lớn đến đà tăng của VN-Index, trong khi kéo HNX-Index giảm trở lại. SAB giảm 1% xuống 223.700 đồng/CP. VRE giảm 1,9% xuống 51.800 đồng/CP. Tổng khối lượng giao dịch phiên sáng đạt trên 171 triệu cổ phiếu, trị giá trên 7.600 tỷ đồng. Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 8,75 điểm (0,75%) lên 1.168,14 điểm. Toàn sàn có 156 mã tăng, 124 mã giảm và 44 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,08 điểm (0,06%) xuống 135,2 điểm. Toàn sàn có 66 mã tăng, 79 mã giảm và 80 mã đứng giá.
2018 là năm tốt nhất của thị trường chứng khoánTheo ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), cách đây 1 năm khó ai có thể tin rằng VN-Index sớm có thể chinh phục được đỉnh cao của 11 năm trước, nhưng hôm nay điều đó đã trở thành hiện thực. Nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng được cải thiện đáng kể trong 2 năm qua, một trong nguyên nhân cơ bản có được kết quả hôm nay là nhờ chính sách “Chính phủ không huy động và phân bổ nguồn lực để cho các thành phần kinh tế chủ động huy động nguồn lực”. "Năm 2018 là năm tốt nhất của thị trường chứng khoán kể từ khi thành lập đến nay. Nếu Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách này thì sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của đất nước trong những năm tiếp theo", ông Hưng nhận định.Theo đó, với các DN có nền tảng bền vững, hoạt động minh bạch thì đây là cơ hội rất tốt để huy động vốn, mở rộng quy mô phát triển, đây cũng là cơ hội để các DN nhà nước bán bớt tỷ lệ sở hữu nhà nước để tái cơ cấu hệ thống quản trị đưa DN lên tầng cao mới, giống như VNM, REE, GMD, NSC... đã tận dụng được cơ hội trong quá khứ. Nhưng đây cũng là bài học cho các DN cần lưu ý tránh đi vào vết xe đổ của một số DN đình đám một thời huy động vốn dễ dàng trong khi đội ngũ cũng như hệ thống quản lý không đáp ứng được sẽ dẫn tới rủi ro sụp đổ.Còn với nhà đầu tư, ông Hưng cho rằng đây là lúc lòng tham dễ dàng được đẩy lên cao, nhiều cơ hội đầu tư kiếm lời trên thị trường chứng khoán xuất hiện, nhưng nhà đầu tư cần lưu ý thị trường chứng khoán vốn rất khắc nghiệt, mỗi người phải tự lựa chọn một nguyên lý quản lý rủi ro riêng cho mình. Kinh nghiệm những năm qua trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã chỉ ra “Người thành công là người kiểm soát rủi ro tốt nhất chứ không phải là người kiếm được nhiều nhất khi thị trường tăng”.