Một điểm chung các chuyên gia cho rằng việc lập lại trật tự vỉa hè là vô cùng cần thiết. Song, vấn đề quản lý thế nào cho phù hợp với người dân và cơ quan chức năng vẫn nâng cao vai trò của mình, mới là quan trọng. Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia đánh giá: "Chức năng của vỉa hè, của lòng đường, sử dụng phần diện tích này cho các hoạt động giao thông và phi giao thông (thuộc thẩm quyền của địa phương) đều được pháp luật quy định rõ. Ủy ban ATGT quốc gia đánh giá cao nỗ lực của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong các chiến dịch ra quân giữ gìn trật tự đô thị thời gian qua. “Sau khi Hà Nội ra quân, tôi thấy không khí phấn khởi của người dân, thậm chí hầu hết những người bị phá bỏ bậc tam cấp của nhà mình cũng đều ủng hộ, chỉ có điều họ mong muốn phải công bằng và đây là việc chúng ta phải làm" – ông Hùng nhấn mạnh.
Về vấn đề quản lý vỉa hè bền vững sau lập lại trật tự, TS Lương Hoài Nam thể hiện rõ quan điểm ủng hộ phương án các TP nên cho người dân thuê lại một phần vỉa hè để xe: “Nếu chủ nhà sinh sống ở mặt đường mà có nhu cầu, chính quyền địa phương có thể đáp ứng thì nên cho phép họ thuê 2m bề rộng trên vỉa hè để xe máy của gia đình mình. Không thể miễn phí được, bởi vỉa hè là đất công. Vỉa hè có công năng chính là để đi bộ, nơi nào có thể bố trí phục vụ công năng khác nữa thì công năng đó phải được thu phí” - ông Nam khẳng định.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện lại không hoàn toàn ủng hộ, ông dẫn các quy định của pháp luật để nói rằng hiện tại Nhà nước đang nghiêm cấm cho thuê vỉa hè, lòng đường để kinh doanh dưới mọi hình thức: "Tôi cho rằng, nếu cho nhà mặt phố thuê hết vỉa hè, thì nhu cầu để xe không chỉ dành cho nhà mặt phố, mà đó là nhu cầu chung. Nếu cá thể hóa trách nhiệm lại không phải cái chung. Thực ra, trên một tuyến phố, một biển số nhà cùng một mặt phố có nhiều hộ khác nhau, vậy phân chia vỉa hè đó cho ai? Sử dụng chung thì về nguyên tắc không đúng. Thực tế trên một số tuyến mới quy định được chỗ đỗ. Về nguyên tắc mình phải hài hòa lợi ích chung. Trên từng tuyến phố phải bố trí đỗ xe phù hợp mới đảm bảo bền vững.
Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) Lê Đức Việt nêu quan điểm, việc lập lại trật tự trên vỉa hè cần linh hoạt, không nên quy định cứng nhắc xe máy phải quay đầu vào bên trong. Quy định linh hoạt tùy theo từng tuyến phố, lấy mục tiêu trung tâm là người đi bộ và giao thông tĩnh. Đối với vỉa hè trên dưới 3m kèm hàng cây bên ngoài mà bắt quay xe vào trong thì không hợp lý. Tùy theo đặc điểm tuyến phố, nên giao cho từng địa phương tính toán cân nhắc như thế nào để thuận lợi nhất cho người đi bộ và đảm bảo giao thông tĩnh...
Về việc sắp xếp xe máy trên vỉa hè hiện nay, ông Viện thông tin thêm, TP Hà Nội có Quyết định số 15 quy định sử dụng hè phố theo Luật Giao thông đường bộ. Chúng ta vẫn phải sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè cho mục đích giao thông tĩnh. Điểm nào được cấp phép, có thể kinh doanh, đỗ xe và thu phí theo quy định, còn những tuyến đường không tổ chức kinh doanh thì để dân tự sắp xếp phương tiện giao thông.
Theo quy định thống nhất, vỉa hè tính từ sát mép tường trở ra có quy định kẻ vạch đến đó để hướng dẫn Nhân dân để xe máy cho ngay ngắn. Hiện nay, có 11 quận đã thực hiện theo quy định hướng dẫn để xe vào bên trong sát với tường, riêng quận Hoàn Kiếm đang xin để xe phía ngoài vỉa hè để dân tham gia giao thông bên trong, tiếp cận được với các cửa hàng kinh doanh mặt phố để kinh doanh thuận tiện hơn. Tuy nhiên, TP đang chỉ đạo đẩy vào trong, nhằm hạn chế người dân để hàng hóa, bán quán lấn chiếm phần đường cho người đi bộ.