Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên gia Pháp chưa hẹn ngày trở lại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lệnh giãn cách xã hội tại Pháp vẫn còn hiệu lực khiến chuyên gia đánh giá an toàn hệ thống của đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa hẹn ngày sang Việt Nam.

Đích đến còn xa

Theo Ban Quản lý dự án đường sắt, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản hoàn thành khối lượng công việc thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị. Phần việc còn lại chủ yếu là hoàn thiện hiện trường, mỹ quan, chỉnh sửa một số thiết bị để chuẩn bị cho vận hành thử toàn hệ thống đồng thời chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ hoàn công để phục vụ công tác nghiệm thu, bàn giao dự án cho Hà Nội.

Sau khi các nhân sự của tổng thầu, tư vấn giám sát sang Việt Nam và thực hiện công tác cách ly theo quy định, các bên sẽ tiến hành công tác nghiệm thu các chuyên ngành, vận hành thử toàn hệ thống, sau đó là diễn tập các tình huống an toàn.

Về phía tư vấn đánh giá an toàn hệ thống (Tư vấn ACT) của Pháp, đơn vị này sẽ đánh giá an toàn hệ thống của dự án trong thời gian khoảng 3 tháng. Căn cứ vào kết quả vận hành thử, báo cáo đánh giá an toàn hệ thống, các bên sẽ xem xét, tiến hành công tác nghiệm thu để bàn giao dự án.

Với việc chuyên gia Pháp chưa hẹn ngày có mặt thì ngày về đích của đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn còn rất mịt mờ. (Ảnh: Lê Thanh)

Tuy nhiên, đã có những phát sinh mới liên quan các chuyên gia nước ngoài. Cụ thể là do gặp khó khăn trong chính sách về visa, vận chuyển, cách ly phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở các nước sở tại nên các chuyên gia của nhà thầu Trung Quốc và tư vấn Pháp vẫn chưa thể sang Việt Nam để tiếp tục thực hiện dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Vừa qua, Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương cho phép nhập cảnh đối với tổng thầu và tư vấn giám sát đang thực hiện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Thủ tục cấp visa cho các chuyên gia này sẽ được Cục quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Ngoại giao) thực hiện sau khi UBND TP Hà Nội có văn bản chấp thuận danh sách nhân sự của các đơn vị sang Việt Nam. Dự kiến thủ tục này sẽ hoàn thành vào cuối tháng 5/2020.

Chỉ có điều, hiện nay tại Pháp đang thực hiện lệnh giãn cách xã hội để phòng chống Covid-19 cũng như việc hạn chế các chuyến bay từ Pháp sang Việt Nam nên các chuyên gia Tư vấn ACT vẫn chưa xác định được chính xác thời điểm sang Việt Nam để tiếp tục thực hiện công tác đánh giá an toàn hệ thống.

Chờ đợi đến bao giờ?

Năm 2019, khi Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV diễn ra, trong bản báo cáo gửi Quốc hội khi đó, Bộ GTVT cho hay, hiện dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp. Riêng vật tư, thiết bị đã chuyển về đến công trường đạt khoảng 99% và lắp đặt đạt 90% khối lượng thiết bị. Bộ GTVT tự tin cam kết, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ đưa vào khai thác thương mại trong năm 2019.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Hòa Thắng
Đã tròn một năm kể từ khi lời cam kết đó được đưa ra, dự án “hứa thật nhiều, thất hứa thật nhiều” vẫn chưa hẹn ngày về đích. Cách đây không lâu, trong bản báo cáo Quốc hội về các công trình chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, Bộ GTVT một lần nữa nhắc lại "điệp khúc": Công tác xây dựng, lắp đặt thiết bị tại dự án đã cơ bản hoàn thành, dự án đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý để vận hành thử toàn hệ thống và đánh giá an toàn hệ thống.
Tuy nhiên, lần này đã không có một mốc thời gian cụ thể nào được đưa ra để cam kết cho ngày “về đích” của dự án. Thay vào đó, Bộ GTVT chỉ nói chung chung là sẽ cố gắng vận hành dự án “trong thời gian sớm nhất”. Trước đó, trong một buổi giao ban báo chí, chính lãnh đạo Bộ GTVT từng thừa nhận, cơ quan này sẽ không đưa ra bất cứ một lời hứa cụ thể nào cho ngày về đích của dự án.

Liên quan đến dự án này, vừa qua Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV. Đường sắt Cát Linh - Hà Đông được nhắc đến là dự án bị đội vốn khủng và liên tục lùi thời gian hoàn thành, làm giảm hiệu quả đầu tư, gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước.

Cử tri nhiều quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân, truy cứu trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể đối với các dự án trên, tránh việc chỉ đổ lỗi cho tập thể và cho nhà thầu.