Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 sắp diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện mang tính lịch sử này đang nhận được sự quan tâm của nhiều học giả Trung Quốc. Giáo sư Hứa Lợi Bình, chuyên gia của Viện nghiên cứu chiến lược châu Á Thái Bình Dương và Toàn cầu thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc mới đây đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN thường trú tại Trung Quốc xoay quanh sự kiện quan trọng này.
PV: Trước tiên, xin ông cho biết, trong bối cảnh hiện nay, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 diễn ra tại Hà Nội có ý nghĩa như thế nào?
Ông Hứa Lợi Bình: Tôi cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa bị đảo ngược, thế giới đang đứng trước những thay đổi lớn lao, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 tổ chức ở Việt Nam mang ý nghĩa thực tế vô cùng quan trọng. Thứ nhất, thế giới có thể hướng tới sự ổn định. Bởi thời gian trước đó, sóng gió hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên đã bao trùm cả khu vực Đông Á.
Không nghi ngờ gì, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều đã đem đến dự báo lạc quan về tiến trình hòa bình trong tương lai. Thứ hai, Hội nghị lần này đóng vai trò thúc đẩy tích cực đối với tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Do vậy, nó mang ý nghĩa thực tế, tích cực đối với hòa bình thế giới. Tóm lại, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 mang lại những tác động tích cực và sâu sắc đối với hợp tác khu vực và hòa bình thế giới.
PV: Ông có cho rằng Hội nghị lần này sẽ tạo được đột phá không?
Ông Hứa Lợi Bình: Kết quả của Hội nghị lần này được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm. Bởi đây đã là cuộc gặp lần 2. Hội nghị lần thứ nhất tại Singapore chủ yếu là để hai bên gặp nhau, ra Tuyên bố chung và bày tỏ mong muốn tiếp tục đàm phán. Cuộc gặp lần này tại Việt Nam liệu có đạt được đột phá hay không là điều rất đáng trông đợi. Vậy những lĩnh vực nào có thể đạt được đột phá?
Theo tôi, trước tiên là về mặt ngoại giao, Mỹ và Triều Tiên có thể sẽ thiết lập văn phòng liên lạc. Hai bên có thể có những đột phá trong quan hệ ngoại giao, vì Mỹ và Triều Tiên chưa thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai là, Mỹ có thể sẽ có một vài hành động mang tính tượng trưng, nhằm gỡ bỏ một phần trừng phạt đối với Triều Tiên. Đột phá nữa có thể là đạt được thỏa thuận cụ thể liên quan đến thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa hoặc thiết lập các cơ chế.
PV: Theo ông, điều gì khiến Hà Nội được chọn là nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều lần 2?
Ông Hứa Lợi Bình: Tôi cho rằng, ban đầu Việt Nam được chọn là nơi tổ chức Hội nghị đã gây bất ngờ cho không ít người, bởi nhiều người cho rằng Hội nghị sẽ được tổ chức ở Châu Âu hay một vài nơi nào khác. Tuy nhiên, cá nhân tôi không thấy bất ngờ. Với Mỹ, Việt Nam đóng vai trò “hình mẫu”, bởi quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã đi từ “cựu thù” tới “đối tác” và “bạn bè”. Mỹ muốn cho Triều Tiên thấy rằng, dù là một nước Xã hội chủ nghĩa, nhưng Việt Nam vẫn có thể trở thành bạn với Mỹ và Triều Tiên cũng có thể làm như vậy.
Thứ hai, Mỹ cũng muốn nâng tầm hợp tác và quan hệ với Việt Nam, bởi trong Báo cáo chiến lược mới đây, Mỹ coi Indonesia, Việt Nam là những đối tác mới nổi, như một phần quan trọng trong chiến lược cứng của mình. Điều đó cho thấy Mỹ coi trọng vị thế quốc tế của Việt Nam.
Với Triều Tiên, Việt Nam là người bạn tốt, cùng là nước Xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đáng tin cậy, hơn nữa, Đổi mới mở cửa của Việt Nam đáng để Triều Tiên học hỏi, do vậy, Triều Tiên cũng sẵn sàng lựa chọn Việt Nam. Nếu cả Mỹ và Triều Tiên đều ghi nhận, Việt Nam đương nhiên được chọn để tổ chức Hội nghị lần này.
PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Việt Nam đối với tiến trình phi hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên?
Ông Hứa Lợi Bình: Chúng ta đều biết, Việt Nam hiện là nền kinh tế mới nổi được cả thế giới quan tâm. Tôi cho rằng, dù là trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, hay các vấn đề quốc tế khác, Việt Nam sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng. Cụ thể tại Hội nghị lần này, Việt Nam có thể phát huy các vai trò sau:
Một là vai trò “hình mẫu”. Là một nước Xã hội chủ nghĩa, Đổi mới mở cửa của Việt Nam, theo tôi, là rất thành công. Về mặt này, trên thực tế, Việt Nam là một hình mẫu rất tốt đối với Triều Tiên. Điều đó cho thấy, đi con đường Xã hội chủ nghĩa riêng có như Việt Nam, Triều Tiên không cần sở hữu vũ khí hạt nhân, không cần phát triển vũ khí hạt nhân, vẫn có thể hợp tác rất tốt với cộng đồng quốc tế, vẫn có thể mở cửa và tăng cường sức mạnh quốc gia.
Vai trò thứ hai là thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa. Không phải Việt Nam tự mình thúc đẩy, mà là thúc đẩy trong khuôn khổ ASEAN, bởi Việt Nam là thành viên quan trọng của ASEAN, trong khi ASEAN có Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Việt Nam có thể thông qua Diễn đàn này đưa ra những sáng kiến để Triều Tiên, Mỹ và các bên cùng tham gia vào Diễn đàn và thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.
Vai trò thứ ba là cung cấp địa điểm. Lần này là tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, trong tương lai, hai bên có thể phải tổ chức các cuộc trao đổi cụ thể, như vậy vẫn có thể lựa chọn Việt Nam, bởi như tôi đã nói, Việt Nam là nơi được cả Mỹ và Triều Tiên chấp thuận. Trong tương lai, Việt Nam có thể sẽ tiếp tục là nơi diễn ra các cuộc họp nhóm công tác giữa hai bên.
Đó là 3 vai trò mà Việt Nam có thể phát huy trong thời gian tới.
PV: Xin cảm ơn ông).