Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyện lạ ở làng thể thao Việt Nam

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Rất nhiều người sửng sốt khi Việt Nam công bố danh sách những vận động viên sẽ tham dự Đại hội học sinh Đông Nam Á 2013. Bất ngờ là bởi, niềm hy vọng vàng của bơi lội Việt Nam tại SEA Games và ASIAD là Ánh Viên đã được yêu cầu tham dự thi đấu ở một sự kiện thể thao nghiệp dư.

Hiện tại, Ánh Viên là Á quân châu Á, kỷ lục gia SEA Games. Không quá khi nói nữ kình ngư này là niềm hy vọng số 1 của bơi lội Việt Nam trong quãng thời gian tới đây. Và cũng chỉ có nữ vận động viên trẻ này mới có thể hoàn thành tham vọng tranh hùng tại đấu trường đỉnh cao như ASIAD, Olympic. Thế mới có chuyện, ngành thể thao đã dành hàng tỷ đồng để kình ngư này sang Mỹ tập huấn dài hạn. Giới chuyên môn cho rằng, đây là sự đầu tư rất trọng điểm và cần thiết để biến Ánh Viên thành một ngôi sao đẳng cấp châu lục.
 
Chuyện lạ ở làng thể thao Việt Nam - Ảnh 1
 
Kình ngư số 1 Việt Nam - Ánh Viên được yêu cầu thi đấu cho một sự kiện thể thao nghiệp dư.
 
 
Ấy vậy mà việc niềm hy vọng vàng của thể thao Việt Nam xuất hiện tại đấu trường thể thao học đường đã khiến nhiều người bị sốc. Người ta buồn cho Ánh Viên, bởi đẳng cấp của VĐV này không phải để tham dự đấu trường nghiệp dư, nơi có các học sinh yêu thích tập luyện thể thao. Nhưng, điều đáng buồn hơn là ở chỗ, các nhà quản lý đã quá đặt nặng vấn đề thành tích ở một sự kiện thể thao dành cho học sinh. Bởi, khi Ánh Viên đã xuất tướng, chẳng có em học sinh nào có thể so bì.
 
Câu chuyện dùng tuyển thủ quốc gia tham dự các sự kiện dành cho học sinh, sinh viên không còn là mới với thể thao Việt Nam. Trong quá khứ, nhiều lần các tuyển thủ của chúng ta vừa tham dự các sự kiện châu lục, thế giới và vô địch nhưng ngay sau đó đã được biên chế thành các vận động viên sinh viên. Đương nhiên, với đẳng cấp của mình, các vận động viên này dễ dàng hái vàng. Và đoàn thể thao Việt Nam luôn đứng ở vị trí cao chót vót, vượt qua cả các nước vốn có phong trào thể thao học sinh, sinh viên rất mạnh trong khu vực.
 
Vẫn biết rằng, đã bước vào các giải đấu thì ai cũng muốn có thành tích. Nhưng, cũng không nên vì bệnh thành tích mà sử dụng “dao mổ trâu để giết gà”. Hãy dành sân chơi nghiệp dư cho các vận động viên nghiệp dư, bởi biết đâu, được thi đấu, có huy chương sẽ giúp họ có thêm động lực tập luyện thể thao. Quan trọng hơn, việc "trả lại tên cho em" sẽ giúp phong trào thể thao học sinh, sinh viên trong nước phát triển một cách thực sự.