Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyện Mẹ Việt Nam anh hùng có con ở hai chiến tuyến

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiến tranh đã đi qua 40 năm, đã nghe bao câu chuyện về sự hy sinh của những Mẹ Việt Nam anh hùng trên khắp cả nước.

Thế nhưng khi nghe tới câu chuyện của Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Hai do chính đồng đội và những người con của Mẹ kể lại, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi về sức chịu đựng của Mẹ và sự khốc liệt của chiến tranh.

Cô Hai biệt động thành

Năm 1914, khi đất nước đang bị thực dân Pháp đô hộ, Mẹ Hai chào đời trong một gia đình phu xe nghèo tại thành Gia Định. Lớn lên trong cảnh áp bức bất công, đầu những năm 1930, Mẹ xây dựng gia đình cùng anh thanh niên Trần Văn Rẫy là một phu xe nghèo, rồi những người con lần lượt ra đời. Cách mạng tháng Tám thành công, hai vợ chồng theo Việt Minh hoạt động chủ yếu tại nội thành Sài Gòn - Gia Định, vợ làm giao liên, còn chồng là bộ đội địa phương.
Ông Trịnh Văn Sót và anh Trịnh Hoàng Phương bên bàn thờ Mẹ Hai. 	Ảnh: Anh Minh
Ông Trịnh Văn Sót và anh Trịnh Hoàng Phương bên bàn thờ Mẹ Hai. Ảnh: Anh Minh
Năm 1952, trong một trận càn ngày 25 tháng Giêng, giặc Pháp đã phát hiện chồng Mẹ và người con trai đầu dưới hầm trú ẩn. Nghe tiếng súng nổ nơi căn hầm bí mật, Mẹ Hai chạy ra khi trong bụng đang mang thai 7 tháng để cứu chồng, con, nhưng đã quá muộn.

Chúng bắt Mẹ, tra tấn dã man hòng buộc phải khai ra nơi bộ đội ẩn nấp, nhưng Mẹ vẫn kiên định không khai. Sau khi chồng và con trai mất cũng là lúc 2 người con gái thứ ba và thứ tư qua đời vì bệnh tật, Mẹ sinh người con út trong đau khổ tột cùng. Chồng, con hy sinh khiến lòng căm thù giặc của Mẹ càng sôi sục. Khi giặc Pháp rút về nước cũng là lúc giặc Mỹ thế chân, Mẹ quyết định tham gia lực lượng biệt động thành và hoạt động tại đội 67, với nhiệm vụ liên lạc, vận chuyển vũ khí và đưa quân.

Những năm 1960, địch hoạt động mạnh và tàn ác, Mẹ được giao nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào TP. Gửi con lại cho hàng xóm, một mình Mẹ hàng ngày cùng chiếc xe bò, cả năm trời khôn khéo, nhanh nhẹn, vận chuyển được rất nhiều vũ khí vào TP trót lọt.

Sau trận đánh Mậu Thân 1968, Mẹ Hai chuyển về làm nhiệm vụ nuôi quân và đưa quân tới Ngày Giải phóng.

Nỗi đau chưa từng kể

Sau khi chồng và người con đầu hy sinh bởi tay thực dân Pháp, sự căm thù giặc lên tới tột đỉnh trong Mẹ Hai. Cả 3 người con trai là Trịnh Văn Đuống, Trịnh Văn Bảnh và Trịnh Văn Đáng sau đó cũng được Mẹ cho tham gia cách mạng, cả ba đều hoạt động biệt động cùng Mẹ tại nội thành, tham gia nhiều trận đánh.

Năm 1963, anh Bảnh được đưa ra ngoài Bắc để học tập, thế nhưng đã mất tích. Nỗi đau chưa nguôi, thì đầu năm 1964, anh Đáng lại hy sinh trong một lần đánh bom vào hồ tắm Lam Sơn của giặc Mỹ tại Phú Nhận. Tưởng không còn nỗi đau nào hơn nữa, nhưng cuối năm 1964, Mẹ lại nhận hung tin trong một lần đánh bom tại Sân bay Tân Sơn Nhất, anh Đuống đã anh dũng hy sinh.

Năm 1971, chiến tranh ác liệt nhất, chính quyền ngụy liên tục bắt quân dịch, Mẹ đã đào hầm giấu người con Trịnh Văn Nấm để trốn lính. Thế nhưng Nấm vẫn bị bắt đi lính tại Chí Hòa; và một năm sau, Trịnh Văn Sót (người con út) cũng bị bắt đi lính.

Nước mắt ngày thống nhất

Sau giải phóng ít ngày, Mẹ Hai chuyển những bát nhang và di ảnh của chồng con  lên bàn thờ, cũng là lúc người con mất tích Trịnh Văn Bảnh về quỳ trước mặt mẹ. Niềm vui khiến người mẹ vỡ òa, vì bao năm nay con mình vẫn còn sống mà mẹ thì thờ cúng; niềm vui vì mẹ còn giữ được thêm một người con nữa. Giải phóng được hơn tháng, Mẹ động viên các con đi học tập cải tạo theo quy định. Sau cải tạo, do biết hoàn cảnh bị bắt đi lính và gia đình có công với Cách mạng nên các anh Dẫn, Nấm, Sót đã có công ăn việc làm để nuôi mẹ. Năm 1996, Mẹ Hai được phong danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng trong niềm vui của đồng đội, con cháu…