Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên nghiệp hóa chăn nuôi nông hộ

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuy chăn nuôi nông hộ ngày càng yếu thế trong cạnh tranh nhưng đây vẫn là nghề mang lại nguồn thu nhập chính của hàng triệu nông dân. Do đó, song song với đẩy mạnh chăn nuôi trang trại quy mô lớn, các địa phương cần quan tâm phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, để khu vực này mang lại hiệu quả cao nhất.

 Chăn nuôi bò thịt ở Minh Châu - Ba Vì
Nhiều chính sách hỗ trợ
Sau 6 năm triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 4/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã có tác động tích cực đến quá trình phát triển ngành chăn nuôi ở nước ta, góp phần nâng cao thu nhập của các hộ chăn nuôi tăng từ 5-10%.
Với nguồn kinh phí hỗ trợ tuy không lớn (gần 833 tỷ đồng) nhưng chính sách đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp cải tạo và nâng cao năng suất đàn lợn, đàn trâu, bò bằng việc hỗ trợ miễn phí tinh bò, tinh lợn chất lượng cao. Bên cạnh đó, Chương trình còn hỗ trợ các địa phương đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải trong chăn nuôi, từ đó làm thay đổi nhận thức của người dân, thay đổi diện mạo nông thôn, cải tạo môi trường chăn nuôi vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tại các địa phương cũng dành nhiều quan tâm đầu tư cho khu vực chăn nuôi này.
Tại Hà Nội mặc dù không khuyến khích chăn nuôi nông hộ, nhưng TP vẫn có những hỗ trợ thiết thực như miễn phí 100% chi phí thụ tinh nhân tạo khi phối giống bằng tinh bò sữa, bò thịt chất lượng cao, tinh lợn giống cao sản; hỗ trợ chi phí tiêm phòng các bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, hóa chất khử trùng; khuyến khích đầu tư chăn nuôi áp dụng công nghệ. “Những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn TP đang nỗ lực chuyên môn hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, liên kết chăn nuôi” – Phó Giám đốc Sở NN&PTN Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho hay.
Tại tỉnh Nam định, mặc dù không ban hành cơ chế, chính sách riêng để thực hiện Quyết định 50 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng tỉnh cũng lồng ghép với các chương trình, dự án như chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tái cơ cấu ngành nông nghiệp… Theo đó, tỉnh đã hỗ trợ hơn 18 tỷ đồng xây dựng 5.719 hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi nông hộ, góp phần bảo vệ môi trường; hàng năm hỗ trợ trên 4 tỷ đồng để mua vaccine tiêm phòng cho gia súc gia cầm.
Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng thực tế nhóm chăn nuôi nông hộ vẫn đang tồn tại nhiều khó khăn, bất cập như ô nhiễm môi trường, diện tích chuồng trại chật hẹp, tập quán chăn nuôi lạc hậu… khiến hiệu quả kinh tế không cao, sản phẩm chưa đảm bảo các tiêu chí về an toàn thực phẩm. Đây cũng là nguyên nhân khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, phần lớn các ổ dịch tập trung ở khu vực nông hộ.
Cần tiếp tục tháo gỡ
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: "Tuy chăn nuôi nông hộ ngày càng yếu thế trong cạnh tranh, nhưng đây vẫn là nghề mang lại nguồn thu nhập chính của hàng triệu hộ dân. Chăn nuôi nhỏ lẻ nếu mất đi sẽ gây ra vấn đề lớn về an sinh xã hội". Theo đó, các địa phương cần quan tâm hỗ trợ để ổn định sản xuất chăn nuôi nông hộ và có sự chuyển hướng để phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất tại địa phương.
“Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ, cần phải hướng đến sản xuất chuyên nghiệp hơn theo hướng hàng hóa, an toàn sinh học, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có lợi thế để cạnh tranh” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.
Ở góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định kiến nghị, Nhà nước cần tiếp tục bổ sung một số cơ chế, chính sách mới để phù hợp với Luật Chăn nuôi, với thực tế thị trường và nhu cầu về an toàn thực phẩm của người dân. Chẳng hạn như thực tế mức hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ sử dụng đệm lót sinh học là chưa phù hợp. Điều này chỉ phù hợp với mô hình chăn nuôi gia cầm, bởi đối với chăn nuôi gia cầm có thể sử dụng chuồng trại cũ và chỉ tạo đệm lót, nhưng đối vưới chăn nuôi lợn phải cải tạo lại chuồng nền xi măng sang nền đệm lót sinh học cần chi phí rất lớn.
Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTN Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, để phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng chuyên nghiệp cần phải quy tập các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thành các hợp tác xã, chăn nuôi an toàn sinh học để tạo ra chuỗi khép kín. Bên cạnh đó, tiếp tục cho duy trì mạng lưới thú y cơ sở, nâng chế độ phụ cấp tương ứng ngành nghề đào tạo để đảm bảo thực thi nhiệm vụ tại cơ sở. Có chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng, chính sách hỗ trợ di dời chăn nuôi ra khỏi khu dân cư phù hợp với Luật Chăn nuôi. Đồng thời có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề dẫn tinh viên, thúc đẩy chăn nuôi bò sữa, bò thịt, gia cầm phát triển.