Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyên nghiệp hóa ngành chăn nuôi

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, xu hướng thị trường và bối cảnh thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi cần có những giải pháp căn cơ.

Nhiều thách thức
Thông tin tại hội nghị phát triển chăn nuôi trong tình hình mới do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 26/4, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết, trong quý I/2021, tổng đàn và sản lượng thịt gia súc, gia cầm cả nước nhìn chung đều tăng. Riêng tổng đàn lợn giảm khoảng 2% so với cuối năm 2020 do nhu cầu dịp Tết tăng hơn 10%. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2020, tổng đàn lợn vẫn tăng gần 11,6%.

Diễn biến chăn nuôi thời gian qua, theo đánh giá của Cục Chăn nuôi là tương đối ổn định, nhưng bối cảnh của ngành thời gian tới đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là khi lĩnh vực này hiện chiếm gần 25% thị phần sản xuất nông nghiệp. Nếu không duy trì được sự phát triển thì sẽ tác động lớn đến tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp trong năm 2021.
 Trang trại chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh tại huyện Sóc Sơn. Ảnh: Tùng Nguyễn
Ông Nguyễn Xuân Dương nhận định, dịch Covid-19 đang khiến nhiều chuỗi lưu thông, phân phối, thị trường, bao gồm cả chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu bị đứt gãy. Điều này khiến giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 20% trong thời gian qua, làm gia tăng chi phí đầu vào, ảnh hưởng đến sản xuất. Bên cạnh đó là diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh động vật, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, bệnh viêm da nổi cục, cúm gia cầm, lợn tai xanh, lở mồm long móng…
Một yếu tố khác tác động đến lĩnh vực chăn nuôi được đưa ra là sức ép từ hàng chục hiệp định thương mại tự do. Các quốc gia thuộc khu vực CPTPP và EVFTA đều có ngành chăn nuôi phát triển, sẽ làm gia tăng áp lực về thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Cạnh tranh về giá và chất lượng sẽ là thách thức lớn đối với lĩnh vực chăn nuôi…

Thúc đẩy chuỗi liên kết giá trị

Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết, nhiệm vụ đặt ra đối với lĩnh vực chăn nuôi trong tình hình mới là tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật giống, thức ăn và điều kiện chăn nuôi. Xây dựng cơ sở dữ liệu, mã định danh quốc gia cho các cơ sở chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo chuỗi, tiến tới chuyên nghiệp hóa lĩnh vực này.

Để chuyên nghiệp hóa sản xuất chăn nuôi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, các bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về lãi suất tiền vay, tư liệu sản xuất cho người chăn nuôi phát triển theo chu kỳ sản xuất. Hỗ trợ khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, trong đó chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hiện, đơn vị đang phối hợp với các bộ ngành, rà soát đề xuất với Chính phủ hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ, các hợp tác xã khi tham gia phát triển các chuỗi giá trị chăn nuôi. “Mục tiêu của ngành nông nghiệp là sớm xác lập được ít nhất 12 chuỗi liên kết lớn trong chăn nuôi tại các vùng miền của cả nước. Các thành phần kinh tế khác sẽ cùng tham gia phát triển…” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Đại diện Bộ NN&PTNT cũng nhấn mạnh, các DN sẽ đóng vai trò nòng cốt trong phát triển các chuỗi giá trị cũng như định hướng chuyên nghiệp hóa chăn nuôi trong thời gian tới. Theo đó, bên cạnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ của T.Ư, địa phương, Bộ NN&PTNT đề nghị các DN cần chủ động đổi mới hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh. Hướng sản xuất theo chuỗi tuần hoàn, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và hữu cơ truyền thống.

Liên quan đến giá thức ăn chăn nuôi, Bộ NN&PTNT nhận định giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính sẽ giảm dần và ổn định từ tháng 7/2021. Theo đó, giá các sản phẩm gia cầm trong quý II/2021 tiếp tục có chiều hướng tăng và sẽ tăng cao nhất vào thời điểm tháng 5/2021. Trong khi đó, giá thịt lợn đã giảm so với dịp Tết và duy trì ổn định ở mức 74.000 - 78.000 đồng/kg hơi xuất chuồng.