Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyện ở nhà

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bà ngồi chỏng chơ trước bậc thềm, đôi mắt chờ đợi, ai đi qua hỏi gì bà cũng chẳng nói. Đến xẩm chiều, đứa cháu về mới tá hỏa thấy bà tay chân lạnh cóng đang ngồi run cầm cập ở ngoài mà không chịu vô nhà.

Bà ở với vợ chồng con trai được gần một năm. Từ ngày chồng mất, bà vẫn ở một mình. Nhưng đứa con trai duy nhất cứ thuyết phục bà lên ở với vợ chồng nó, nhất mực không chịu cho bà ở một mình nữa. Rõ khổ, ruộng vườn, heo gà ở nhà là niềm vui, giờ bà lên thành phố, suốt cả ngày ở nhà một mình, từ 7 giờ sáng tới 5 giờ chiều mới thấy mặt con. Bà đi ra đi vô cũng cái ti vi, cái tủ lạnh, cái bếp nó làm bạn.

 
Minh họa: Hoài Văn.
Minh họa: Hoài Văn.
Nhiều khi rảnh rỗi quá, bà cứ chà đi chà lại bóng loáng cái bếp. Rồi ngồi thừ người ra tính thời gian. Bà nhớ vườn. Ở quê bà không có ruộng vườn gì nhiều, chỉ có mấy sào đất, bà trồng những cây hoa màu ngắn ngày, một đàn gà và mấy con lợn. Nhìn thì thấy nhỏ lẻ, đơn giản nhưng nó ngốn hầu hết thời gian trong ngày của bà. Như vậy lại hay, bởi sự bận rộn đó khiến cho bà đỡ nhớ ông. Ở nhà cái gì dù nhỏ dù lớn cũng hai vợ chồng bà đều cùng nhau làm. Ông được cái khéo tay, ba cái vụn vặt trong nhà ông cứ tẩn mẩn từng chút một, như sửa ống nước, đóng lại cái giàn bí, hàn cái chuồng gà… Ông bảo, ở nhà phải kiếm việc làm cho vui chứ ngồi không lại cứng chân cứng tay ra. Mà đúng thật, về già hoạt động đi lại bà lại thấy khỏe người, chứ cứ ăn rồi ngồi một chỗ thì có mà chán chết. Hai vợ chồng gắn bó vậy mà ông đột ngột ra đi, khiến bà cảm thấy hụt hẫng vô cùng. Nhiều khi bà cứ nghĩ, ông đi tham gia hoạt động của làng xã, thăm lại các đồng đội xưa mấy hôm rồi về, hay ông đi đâu một thời gian chứ vẫn chưa thể chấp nhận rằng, ông đã mất dù chính bà là người đã vuốt mắt để ông ra đi thanh thản. Bà thừ người ngồi nhìn ra ngoài ban công, gió mùa thu mà không hề dịu mát, cứ gợn từng đợt hơi nóng phả vào người. Từng đoàn xe chen nhau nhung nhúc dưới lòng đường, giờ các con của bà cũng đang loang vào trong dòng chảy đó. Bà thở dài, chen chúc, ngột ngạt thế mà ai cũng muốn vào thành phố chi không biết. Bà ngồi tặc lưỡi trong ánh nắng xế chiều chiếu qua khung cửa.

Công việc bà thích nhất trong ngày là đi chợ. Chợ cách nhà chừng 500m, ngoài việc mua thức ăn ra, thì đi chợ với bà như một thú vui hàng ngày, nơi bà có thể trò chuyện, có thể thêm một vài cộng hành, có thể bớt đi vài ngàn đồng, mà ai cũng cười nói thân thiện như ở quê nhà, đôi khi cũng lời qua tiếng lại nhưng không đáng kể. Không khí chợ búa ấy lại cho bà một cảm giác gần gũi như một cái xóm nhỏ. Con dâu bà thì cứ bảo bà đi siêu thị cho tiện, vừa sạch sẽ vừa gần nhà. Nhưng con dâu đâu hiểu được đi chợ chính là niềm vui của bà. Bà ghét cảm giác về nhà, qua những hành lang dài với những cánh cửa luôn đóng im ỉm, hàng xóm hầu như không giao lưu gì với nhau. Ai cũng bị công việc xoáy vào, mà ở thành phố thì ai cũng sợ bị tụt hậu nên sự cố gắng và chuyên tâm cao hơn rất nhiều lần so với những nơi khác. Ở cả năm mà bà chỉ biết có vài người trong chung cư như ông Hoằng hay dắt cháu đi dạo, bà Chi bán gạo nhà bên, thêm bà Hằng, bà Di ở tầng trên nữa là hết. Sáng sáng gọi nhau dậy để đi tập dưỡng sinh, rồi ai cũng về nhà nấy, lo toan cho những đứa con luôn bộn bề công việc. 

Tiếng gà con líu ríu kiềm chân bà lại. Nhìn trong cái lồng, những con gà choai với vài cọng lông đang mọc phủ lên người đang há miệng đòi ăn nhìn rất vui mắt, bà lại nhớ đàn gà của mình. Trước hôm lên thành phố bà đã bán hết đàn gà, vì không có ai chăm cho chúng. Giờ thấy gà, bà lại muốn nuôi. Hai con gà bà mua về, được bà nhốt trong cái lồng sắt, để ngoài ban công. Tiếng líu ríu của hai con gà, thu hút đứa cháu năm tuổi của bà. Ngày nào nó cũng đòi ăn cơm thi với gà. Có mấy con gà, tật lười ăn của cu Tít giảm hẳn. Thời gian đút cơm cho Tít không phải mất đến một hai tiếng đồng hồ mà chỉ khoảng ba mươi phút là cu cậu đã ăn xong bát cơm, có hôm còn đòi ăn thêm bát nữa. Ban đầu con dâu bà bảo bẩn, hôi, rồi cằn nhằn mãi với chồng. Sau thấy cu Tít rất thích thú, mà cũng không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt gia đình thì con dâu thôi không càm ràm nữa. Con trai thấy mẹ có mấy con gà lại đâm ra vui nên cũng chiều ý mẹ muốn làm gì thì làm. 

Bà dậy sớm hơn mọi ngày, ra xịt nước cho mấy con gà, sẵn xịt luôn cái ban công đầy bụi. Nước lênh láng, con dâu thức dậy thấy nước lênh láng, thêm thằng cu Tít dậy sớm theo bà, ngồi nghịch nước ướt sũng bên cạnh. 

- Mới sáng sớm mẹ cho cu Tít nghịch nước, lỡ nó đau thì sao? Mẹ cứ dễ dãi, chiều nó vậy nó hư thì sao? 

- Con nít thì đã biết gì hả con?

Cô con dâu ẵm cu Tít lên, đánh đen đét vào mông thằng bé, khiến cho nó khóc rống lên. Khuôn mặt đỏ au. Bà xót ruột tới ẵm lấy cháu.

- Sao con lại đánh thằng bé vậy? Nó có biết gì đâu? 

Nhưng bà chưa kịp ẵm thằng Tít thì cô con dâu đã giành lấy thằng bé, lúc này vẫn còn đang khóc vào nhà tắm, và bật nước dội ầm ầm trong đó, miệng không ngớt la thằng bé. Bà nhìn theo mà thở dài. Lúc này con trai bà nghe tiếng ồn mới tỉnh giấc, bước ra ngoài. Con trai hỏi bà có chuyện gì, bà không trả lời chỉ lấy giẻ lau lại những chỗ nước còn đọng trong nhà. Bà cũng chẳng nói chẳng rằng vào những ngày sau. Con dâu biết bà giận nhưng nó cũng im lặng, chỉ có bé Sao vẫn còn hồn nhiên, vô tư, chiều nào đi học về cũng luyên thuyên kể cho bà nghe chuyện trên lớp. Trong khi nàng dâu lại càm ràm đứa cháu năm tuổi, có mỗi chén cơm mà ăn không hết.

Hai con gà bị nhốt trong chuồng mà lớn nhanh như thổi, mới hơn một tháng mà nó đã ra dáng lắm rồi, lông đã mọc đều và phủ kín người, con trống mới đó mà đã gáy được rồi. Nhưng rõ khổ, cứ bốn giờ sáng là nó gáy um lên. Nguyên chung cư khỏi ngủ chứ nói chi tới nhà bà. Thấy con trai, con dâu và mấy đứa cháu bị đánh thức sớm bất đắc dĩ hai hôm mà mặt đứa nào đứa nấy phờ phạc hẳn. Bà lục đục tìm mấy tấm vải dư để phủ lên cái lồng gà. Bà nhớ mấy hôm trước con dâu mua về cho bé Sao mấy tấm vải để con bé tập may đồ, thi lấy chứng chỉ nghề gì đó. Cứ thấy nó hì hục cắt, rùi khâu khâu nhíp nhíp mà bà buồn cười, khâu mười mũi thì hết tám mũi đâm vào tay, cuối cùng bà cũng phải may dùm nó. Con bé chỉ được cái bấm tin nhắn điện thoại với máy tính là nhanh còn lại làm gì cũng hậu đậu, đến tráng trứng còn làm rớt ra ngoài thì bà cũng không biết nói làm sao. Bà bảo thì con dâu bà cứ bênh chầm chập, nói nó còn nhỏ, chỉ nên học thôi chứ học thêm nữ công nữa thì thời gian đâu cho con bé học. Bà cũng hờn vợ chồng con bà mấy lần vì cách dạy con khác xa thời bà. Giờ con bé Sao cầm cái chổi còn không nên huống chi làm gì, mà thời bà bằng tuổi con bé Sao thì bà vừa lo cho năm đứa em, vừa phải làm đồng, vậy mà việc nào cũng chu toàn. Thôi thì thời thế thay đổi, bà phải chấp nhận chứ biết làm sao. Bà lục đục kiếm mãi thì thấy có tấm vải đen gấp tư để trên kệ. Bà lấy miếng vải may cái miếng trùm lồng gà cho nó khỏi gáy sáng nữa. Bà ngồi cắt cắt khâu khâu cũng hết nửa buổi chiều. Trùm lên cái lồng của con gà, trông cũng đẹp lắm, đường may bà cũng còn sắc sảo chứ đâu đến nỗi tệ như bà Hằng hàng xóm, bằng tuổi bà mà mắt mờ, lại còn thêm lẫn, một chuyện cứ nói hai ba lần nên nhiều khi bà cũng chẳng muốn sang chơi, nhưng không sang lại buồn rồi lại cứ sang chơi, rồi một câu chuyện cứ kể đi kể lại hoài. Nhìn cái miếng trùm đang phủ lên cái lồng gà. Bà ưng ý lắm.

 Tiếng con dâu la thất thanh, khi thấy miếng vải trên cái lồng gà. Bà đang nhặt rau cũng giật cả mình. Chạy ra ban công thì thấy con dâu miệng đang lắp bắp:- Sao… sao mẹ lại lấy miếng vải của con mà mẹ không hỏi?

- Thì mẹ thấy dư để đấy, nên mẹ tận dụng, mà miếng vải này của con à?Lúc này, bà thấy con dâu bà nấc lên:

- Miếng vải lụa này là mẫu sản phẩm mới để giới thiệu cho công ty, giờ con phải làm sao đây? Trời ơi là trời! Sao mẹ cứ tự ý làm theo ý mình mà không hỏi ai tiếng nào vậy? Mẹ có biết nó quan trọng lắm không? 

Bà chưa kịp nói gì thì con dâu tru tréo lên, rồi cầm miếng vải chạy thẳng ra ngoài, tiếng nổ xe máy vội vã, rồi nhỏ dần, nhỏ dần khiến cho bà thấy hụt hẫng. Bà đi ra đi vô đợi con về, nhưng cũng không thấy đứa nào về. Cơm bà nấu đã nguội hết, hai đứa nhỏ ăn xong, đã ngủ từ lúc nào. Hơn 11 giờ đêm bà mới thấy hai vợ chồng con về, mắt con dâu đỏ hoe, không nói không rằng chạy thẳng vào phòng, tiếng cửa phòng khô khan đóng lại khiến cho bà hụt hẫng lần thứ hai. Con trai bà nhìn thấy mâm cơm còn nguyên trên bàn, thì tự động ngồi xuống và mời bà ăn cơm, bà lắc đầu bảo không ăn, thì nó im lặng ngồi ăn cơm. Bà biết tính con bà, dù có chuyện gì cũng không bao giờ nói lớn tiếng với bà một câu. Ăn xong, con bà lặng lẽ dọn chén xuống bồn rửa. Bà vẫn im lặng nhìn con trai rửa bát. Sự im lặng của con trai khiến bà càng lo lắng hơn.

-  Tấm vải quan trọng lắm hả con?

-  Mẹ yên tâm. Không sao đâu mẹ, mẹ ngủ sớm đi. Nãy giờ con quên không nhìn đồng hồ, không ngờ khuya dữ vậy rồi. 

Con trai giục bà đi ngủ, nhưng bà cũng không thấy buồn ngủ, ngồi thừ đấy nhìn con rửa bát. Bà biết khi con trai bà im lặng thì việc chưa được giải quyết, mà có hỏi thêm nó cũng chẳng nói gì. Con trai bà giống tính ba nó như đúc, cả cái cách xử lý công việc, cả cách đứng cách đi.

-  Con đi nghỉ trước đây, mẹ cũng ngủ sớm đi, lớn tuổi rồi thức khuya không tốt đâu mẹ.

 Con trai vào phòng rồi hai vợ chồng nó lục đục bàn bạc gì trong đó bà không rõ, bà ra ngoài ban công hóng gió. Hai con gà đang ngủ gà ngủ gật trên một chân, lâu lâu giật mình lại lúc lắc cái đầu. Trời đêm đầy sao, lâu lắm rồi bà mới nhìn lên bầu trời đêm đầy sao như thế này, kể từ ngày bà rời quê lên đây ở. Phố giờ vắng lặng, trả lại con đường sự yên tĩnh trên từng vệt trắng của nó. Bà thấy mình cô đơn và lạc lõng giữa thành phố không thuộc về mình.

Bà nhớ đến ông, một cơn đột quỵ đã cướp ông xa khỏi vòng tay bà. Lúc đó mọi thứ như sụp đổ, nhưng rồi đứa con đã vực bà đứng dậy. Một mình bà với mảnh vườn, con heo, con gà tần tảo nuôi con khôn lớn và thành đạt như ngày hôm nay. Giờ cháu trai có, cháu gái có, địa vị xã hội có, khiến cho bà không khỏi tự hào về con trai mình với hàng xóm láng giềng. Thời gian sao mà nhanh quá, mới đó mà đã hai mươi năm ông xa bà, khi ấy con bà mới mười tuổi. Bà thở dài, rồi lấy cái áo bà ba của mình cột quanh lồng gà, để con gà thôi không gáy sớm như hai hôm trước nữa. Nằm trên gường mà bà cứ thao thức mãi.

Sáng hôm sau bà dậy sớm, thì đã thấy con trai và con dâu đi tự bao giờ. Thời gian bà đợi chờ trong ngày dường như nó dài ra hơn gấp đôi gấp ba lần bình thường. Bà Hằng rủ đi chợ bà cũng không buồn đi, cứ đi qua, đi lại trong nhà. Con bé Sao thì đi học tới chín giờ tối mới về, thằng cu Tít thì bốn giờ bà đón nó ở nhà trẻ. Đón cu Tít về, nhà có tiếng đứa nhỏ khiến bà đỡ cảm giác cô đơn hơn, chứ lúc ngồi một mình đi qua, đi lại bà như rơi vào một thế giới khác, một thế giới không có người, chỉ có những ý nghĩ u tối chạy qua lại trong ý nghĩ của bà. Cu Tít ngồi chơi xếp hình với bà rồi hát cho bà nghe đủ bài, nụ cười của nó giúp bà tạm quên đi những lo lắng. Con trai gọi điện về, bảo mẹ và mấy đứa nhỏ ngủ trước, hai vợ chồng ở lại công ty làm việc chắc về khuya. Bà lại chép miệng rõ khổ, lại tự trách mình, bà định thức chờ cửa nhưng lúc ru cu Tít ngủ bà lại ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Ngủ dậy bà đã thấy con dâu chuẩn bị xong bữa ăn sáng cho cả nhà. 

- Sáng nay con không đi làm à?

- Có mẹ ạ! Tý nữa con mới đi. Nói rồi cô con dâu giục mẹ đi rửa mặt rồi ăn sáng.

Bà đứng ngần ngừ rồi, kéo tay con dâu.

-  Mẹ xin lỗi vì tấm vải lụa, mẹ không biết nó quan trọng với con như vậy!-  Không sao đâu mẹ, tụi con đã giải quyết ổn thỏa rồi. Con đã nhờ bên kia họ đã gửi lại mẫu sản phẩm mới cho tụi con, tuy nhiên tiến trình phải chậm mất đi vài ngày nhưng không sao mẹ đừng lo lắng nữa. 

Cô con dâu cười rạng rỡ. Rồi đột nhiên ôm lấy vai bà:

-  Con cũng cảm ơn mẹ, nhờ mẹ may miếng vải chụp mà con có ý tưởng mới cho sản phẩm kỳ này. Những thiết kế thời trang được may hoàn toàn bằng tay, mẹ à!

Nghe con dâu nói, dù không biết là nói thật hay chỉ là cách  làm cho bà đỡ lo lắng. Bà cũng cảm thấy nhẹ nhõm hơn, chứ không thì bà không biết ăn nói với con dâu ra sao. 

-  Mẹ xin lỗi con nhé!

-  Mẹ đừng nói vậy con ngại lắm! Con xin lỗi vì hôm trước nặng lời với mẹ. Bà mỉm cười nhìn con dâu, nhìn hai đứa cháu đang ăn sáng ngon lành. Nhìn đứa con trai vẫn còn ngủ khèo trên ghế sau khi xem trận đá bóng hôm qua. Có lẽ bà cần thời gian để hiểu thêm về các con của mình, có lẽ bà vẫn chưa quen với cuộc sống thành phố, có lẽ…