Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyện trên cánh đồng làng Thạch

Đàm Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa tháng 6. Mới 9 giờ sáng, trời đã nắng gay gắt. Trên cánh đồng đội 2, làng Thạch, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, một chiếc máy cấy loại lớn 2 người điều khiển vẫn lầm lũi vòng đi vòng lại nhả ra phía sau những hàng mạ non tơ, thẳng tắp.

Bước xuống từ chiếc máy cấy vừa vòng vào đầu bờ, ông Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ Nông nghiệp thương mại Tổng hợp Thạch Xá vừa quệt mồ hôi chảy ròng ròng vừa lột chiếc mũ xuống quạt lấy quạt để. Mấy hôm nay nắng quá, mạ khay cũng đã đến tuổi nên phải tranh thủ cấy kẻo không kịp khung thời vụ. Trên bờ, 2 cán bộ khuyến nông huyện đang trao đổi với bà Nguyễn Thị Tính - chủ thửa ruộng máy đang cấy. Bà Tính phàn nàn: Em thấy máy làm đất cũng chưa thật phẳng đâu nhé? Sáng nay, hai mẹ con “em” vừa phải xuống quai cho phẳng trước khi máy vào cấy đấy.
Chuyện trên cánh đồng làng Thạch - Ảnh 1
Vừa đi đến nơi, nghe bà Tính nói, ông Cường bắt chuyện: Thì bà thông cảm, đôi khi cũng có chỗ không được thật phẳng, có gì bà con góp ý, HTX sẽ rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.

Rồi câu chuyện mạ khay, máy cấy, cơ giới hóa đồng bộ giữa ông Cường, bà Tính, các cán bộ khuyến nông và một số bà con lên nghỉ tay tránh nắng dưới tán cây nổ như pháo rang. Một chị phụ nữ vừa bước lên từ thửa ruộng bên cạnh cấy bằng tay gọi, hỏi ông Cường: “Này ông Chủ nhiệm, cánh đồng bên này bao giờ được cấy máy đấy?”. Theo ông Cường, HTX đang phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện thực hiện đồng bộ cơ giới hóa từng phần diện tích, từng cánh đồng cho phù hợp và hiệu quả. Từ những cánh đồng mẫu, HTX sẽ phát triển mở rộng trên toàn xã. Bởi hiện nay, cơ chế là hỗ trợ bà con 100% giống và 30% vật tư, phân bón. Để đảm bảo về giống chuẩn, Trạm Khuyến nông huyện đang đảm nhận thực hiện mạ khay cho máy cấy. Các khâu làm đất, gieo cấy và thu hoạch sẽ do HTX thực hiện. Ông Cường cho biết thêm, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ có nhiều ưu điểm. Trước tiên là giảm chi phí. Mỗi sào, bà con tiết kiệm được khoảng 400.000 đồng cho cả làm đất, cấy, gặt. Năng suất lúa tăng đồng nghĩa với tăng thu nhập. Đặc biệt là tác động về mặt môi trường, xã hội đã hạn chế rác thải và không còn hiện tượng đốt rơm gây ô nhiễm môi trường. Bởi khi gặt bằng máy, rơm sẽ được rải ngay tại ruộng trở thành nguồn phân hữu cơ giúp đất tơi xốp, màu mỡ hơn.

Bà Tính chia sẻ, mới đầu nhìn hàng mạ non ngắn tý tẹo so với cây mạ truyền thống cũng lo lo. Nhưng được cán bộ trạm khuyến nông và HTX giải thích, bà cũng yên tâm. Tuy thế, hôm nay, HTX cho máy vào ruộng nhà mình cấy, bà vẫn phải ra tận nơi để nhìn xem mạ được cấy xuống như thế nào. Nhìn hàng, luống mạ thưa, bà cứ chăm chăm muốn lội xuống dặm cho dày dặn vào. Nghe bà Tính nói, ông Cường giải thích thêm, cấy hàng rộng cây lúa hấp thụ đủ ánh sáng mới khỏe, phát triển, đẻ nhánh tốt và cho năng suất cao. Sau khi máy cấy khoảng một tuần, mạ yên, bắt đầu bén rễ, các gia đình có thể dặm thêm vào đầu bờ, góc ruộng còn thưa. Mạ để dặm, HTX sẽ cung cấp đầy đủ cho các gia đình...

Cứ thế, trên cánh đồng làng Thạch, những câu chuyện trao đổi về đất, về cấy lúa, gặt hái giữa cán bộ khuyến nông, cán bộ HTX và bà con nông dân cứ kéo dài mãi làm quên đi cả cái nắng gay gắt giữa Hè oi bức…