KTĐT - Khép lại ngày giao dịch, chứng khoán Mỹ đi xuống phiên đầu tiên trong 5 ngày và các chỉ số Dow và S&P cùng điều chỉnh từ mức đỉnh 14 tháng.
Nhà đầu tư thận trọng giao dịch trước thềm bế mạc kỳ họp 2 ngày của Cục dự trữ Liên bang (FED). Bức tranh nền kinh tế đang trở nên sáng sủa, tuy nhiên nỗi lo lạm phát đe dọa sự phục hồi bền vững
Khởi đầu phiên hôm qua, chứng khoán Mỹ đón nhận những thông tin kinh tế khá tích cực, trong đó đáng chú ý là sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tăng 0,8% - vượt dự báo của giới phân tích, và mạnh nhất trong 3 tháng gần đây. Cả 3 chỉ số lình xình trong phần lớn phiên buổi sáng trước áp lực tháo hàng mạnh tại nhóm cổ phiếu thuộc lĩnh vực tài chính. Nhà đầu tư lo ngại về sự pha loãng giá sau khi hàng loạt các tên tuổi lớn trong ngành ngân hàng như Citigroup Inc hay Wells Fargo có kế hoạch huy động thêm vốn nhằm sớm trả lại các khoản vay từ chính phủ.
Cuộc họp 2 ngày của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ bế mạc ngày hôm nay. Tổng kết về sự phục hồi của nền kinh tế trong cuộc chiến chống khủng hoảng gần 1 năm qua, cũng như những chính sách tín dụng tiếp theo thời hậu khủng hoảng sẽ là kim chỉ nam cho thị trường chứng khoán những phiên cuối năm. Sự thận trọng bao trùm và mọi con mắt đang đổ dồn về Washington - nơi cuộc họp của FED diễn ra. Khả năng FED sẽ duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp kỷ lục gần 0% là khá cao, tuy nhiên việc chỉ số giá của các nhà sản xuất (PPI) - thước đo chỉ số lạm phát tại Mỹ, tăng 1,8% trong tháng 11 - mạnh nhất trong 3 tháng, lại khiến cơ quan này phải cân nhắc chính sách tiền tệ nới lỏng hiện nay.
Khép lại ngày giao dịch, chứng khoán Mỹ đi xuống phiên đầu tiên trong 5 ngày và các chỉ số Dow và S&P cùng điều chỉnh từ mức đỉnh 14 tháng. Chỉ số Dow Jones Industrial hạ 49,05 điểm, tương ứng 0,5%, thoái lui về 10.452 điểm. Hàn thử biểu Standard & Poor 500 bốc hơi 0,6%, xuống mốc 1.107,93 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,5%, đóng cửa tại 2.201,05 điểm.
Giới đầu tư châu Á cũng tỏ ra thận trọng. Nền kinh tế khu vực đang phát đi những tín hiệu phục hồi bền vững và rõ nét, tuy nhiên đây lại là lý do để chính phủ các quốc gia cân nhắc lại cơ chế điều hành tín dụng nhằm tránh nguy cơ lạm phát, cũng như tháo ngòi các bong bóng tài sàn đang nhen nhóm trong thời gian hậu khủng hoảng vừa qua. Làn sóng chốt lời mạnh vào cuối ngày đẩy chỉ số tổng hợp 23 hàn thử biểu khu vực MSCI thoái lui 0,8%, xuống mốc 119,45 điểm.
Phiên này, chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ những quan ngại về chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, các thị trường Hong Kong và Trung Quốc lần lượt bốc hơi 1,2% và 0,9%. Dẫn đầu đà giảm điểm là cổ phiếu ngành ngân hàng và bất động sản sau khi Bắc Kinh cho biết, giá nhà đất trong tháng 11 leo thang với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 7/2008. Chứng khoán Ấn Độ hạ 1,3%.
Tại Tokyo, phong vũ biểu Nikkei 225 thu hẹp biên độ điều chỉnh xuống 0,2% nhờ những nỗ lực phục hồi của các tên tuổi lớn trong ngành bật động sản như Mitsubishi Estate, Sumitomo Realty hay Mitsui Fudosan với mức tăng 2% đến 4%. Hàn thử biểu Taiwan Taiex của Đài Loan và Straits Times của Singapore lần lượt đóng cửa âm 0,2% và 0,1%. Trong chiều hướng tích cực hơn, các chỉ số chứng khoán tại Hàn Quốc và Australia lại bật tăng từ 0,1% đến 0,4% với đầu tàu dẫn dắt là cổ phiếu các công ty khai mỏ do giá kim loại đang phục hồi mạnh.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại bất ngờ bật xanh vào cuối ngày. Chỉ số tổng hợp 18 sàn cổ phiếu thuộc khu vực tăng 0,1% ở những phút cuối giao dịch, lên chốt tại 247,17 điểm. Phiên này, cán cân mua, bán là khá cân bằng trong suốt phiên và lực cầu chỉ thực sự mạnh lên sau khi đồng đôla tăng giá lên mức cao nhất trong 10 tuần so với Euro, khiến cổ phiếu các công ty xuất khẩu thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Chốt phiên, các hàn thử biểu gồm CAC 40 của Pháp và DAX 30 lần lượt ghi 0,1% và 0,2%. Trong khi đó, chứng khoán Anh lại điều chỉnh mạnh 0,6% trước áp lực chốt lời cổ phiếu ngành ngân hàng.