Một quan chức Indonesia hôm 3/10 cho biết, ít nhất 32 trẻ em đã thiệt mạng trong cuộc hỗn loạn sau trận đấu ở sân vận động Indonesia. Cảnh sát nước này đang tiến hành điều tra và quy trách nhiệm sau thảm họa đẫm máu nhất trong lịch sử bóng đá.
Thảm kịch vào tối 1/10 ở thành phố Malang đã chứng kiến tổng cộng 125 người thiệt mạng và 323 người khác bị thương sau khi các cảnh sát bắn hơi cay trong một sân vận động đông đúc nhằm kiểm soát các cổ động viên quá khích tràn xuống sân cỏ và gây ra vụ giẫm đạp.
Một quan chức của Bộ trao quyền cho phụ nữ và bảo vệ trẻ em nói với AFP rằng: "Từ dữ liệu mới nhất mà chúng tôi nhận được, trong số 125 người tử vong trong vụ tai nạn, có 32 trẻ em, trẻ nhỏ tuổi nhất mới ba hoặc bốn tuổi".
Trước sự phẫn nộ của người dân, Bộ trưởng An ninh Indonesia Mahfud M D thông báo một lực lượng đặc nhiệm đã được thành lập để điều tra và kêu gọi trừng phạt mọi đối tượng liên đới trách nhiệm.
Lực lượng cảnh sát đã sa thải người đứng đầu địa phương của họ ở Malang trong vòng vài giờ sau bài phát biểu của bộ trưởng.
Cảnh sát Đông Java cũng đã đình chỉ 9 sĩ quan theo chỉ thị của lực lượng cảnh sát quốc gia, phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Dedi Prasetyo nói trong một cuộc họp báo.
Với việc cảnh sát và các quan chức thể thao đang trên đường tới Malang để điều tra, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Indonesia (Komnas HAM) đã đưa ra những lời chỉ trích đối với lực lượng cảnh sát tại sân vận động ngày 1/10 đó. "Nếu không có hơi cay, có lẽ đã không có hỗn loạn", ủy viên Choirul Anam nói trong một cuộc họp.