Cơ chế, chính sách đặc thù tác động tích cực đến sự phát triển Thủ đô

Thịnh An - Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tại cuộc làm việc của Chủ tịch Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, chiều 25/7, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đã báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội.

Chủ trì cuộc làm việc có: Các Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Cùng chủ trì hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh.

Dự cuộc làm việc có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; đại diện các cơ quan của Quốc hội, Bộ, ngành của T.Ư; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội....

Cuộc làm việc đánh giá về các nội dung: Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và Nghị quyết 115/20220/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội; xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, TP Hà Nội chủ trì cuộc làm việc
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, TP Hà Nội chủ trì cuộc làm việc

Sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có

Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, về cơ chế, chính sách cho phép HĐND thành phố quyết định áp dụng một số khoản thu phí. Đến nay, UBND thành phố đã đề xuất 4 nội dung về phí; HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết về sửa đổi mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố (có hiệu lực từ ngày 1/1/2023).

Về cơ chế sử dụng nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn nhà nước để đầu tư phát triển, thành phố dự kiến nguồn thu này để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của Thành phố giai đoạn 2021-2025, khoảng 18 nghìn tỷ đồng, trong đó, kế hoạch năm 2021 bố trí 2 nghìn tỷ đồng; dự kiến năm 2023 bố trí 6.159 tỷ đồng để cân đối cho các dự án đầu tư.

Về cơ chế sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển. Trong giai đoạn 2021-2023, HĐND thành phố đã cho phép sử dụng gần 3.765 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp thành phố để chi đầu tư phát triển và cho phép một số quận sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp quận để chi đầu tư phát triển là 7.881 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo tại cuộc làm việc
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo tại cuộc làm việc

Về cơ chế sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên để đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu, các cơ quan, đơn vị thành phố đã bố trí kinh phí chi thường xuyên để đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu. Do có quy mô nhỏ, tính chất đơn giản, thực hiện trong thời gian rất ngắn nên việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên để thực hiện theo Nghị quyết số 115/2020/QH14 đã góp phần đảm bảo tính kịp thời hơn so với việc sử dụng vốn đầu tư công.

Về cơ chế sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ địa phương bạn, thành phố đã hỗ trợ các địa phương khác 230 tỷ đồng để đầu tư xây dựng công trình trường học và thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo và cho phép các quận sử dụng 1.012 tỷ đồng từ nguồn ngân sách cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Cơ chế, chính sách cho phép HĐND thành phố quyết định dự toán, phân bổ ngân sách thành phố đảm bảo định hướng của Trung ương và phù hợp với thực tế của địa phương: Dự toán năm 2021, 2022, 2023, thành phố đã xây dựng đảm bảo các chỉ tiêu Trung ương giao, phù hợp với tình hình thực tế của thành phố. Năm 2021, đã giao dự toán thu, chi ngân sách cao hơn dự toán Trung ương giao. Năm 2022, thành phố sử dụng 3.000 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển đảm bảo chỉ tiêu chi đầu tư Trung ương giao; Bố trí chi thường xuyên cho khoa học, công nghệ và giáo dục đào tạo các năm đều đảm bảo không thấp hơn dự toán Trung ương.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù quy định tại Nghị quyết số 115/2020/QH14 đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô thời gian qua, đã tạo khuôn khổ pháp lý riêng về cơ chế quản lý tài chính - ngân sách cho Thủ đô. Giúp thành phố chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có. Góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa thành phố với các tỉnh, thành phố trong cả nước, lan tỏa tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”…

Quang cảnh cuộc làm việc
Quang cảnh cuộc làm việc

Đề xuất cho phép mở rộng hỗ trợ các địa phương ngoài nước

Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai, thành phố Hà Nội kiến nghị Quốc hội sớm ban hành quy định cho phép sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước thực hiện các dự án có tổng mức kinh phí dưới 15 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.

Đồng thời, cho phép thành phố được chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô, ngoài việc thực hiện chi thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập áp dụng chung trong cả nước. Tổng mức chi phù hợp với khả năng ngân sách của TP Hà Nội và không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.

Bên cạnh việc được sử dụng ngân sách cấp thành phố để hỗ trợ các địa phương khác trong nước như hiện nay, TP Hà Nội đề nghị Quốc hội cho phép thành phố được mở rộng phạm vi hỗ trợ cho cả các địa phương ngoài nước; cho phép cấp huyện sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ các quận, huyện, thị xã khác của TP Hà Nội và các đơn vị cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố khác trên cả nước trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các nhiệm vụ an sinh xã hội.

Cùng đó đề nghị Quốc hội cho phép TP Hà Nội được quy định các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách mới hoặc cao hơn của Trung ương để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách TP Hà Nội mà ngân sách Trung ương không hỗ trợ.