Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có cơ chế xử lý người đứng đầu đơn vị để xảy ra quá hạn, tồn đọng hồ sơ

Linh Chi - Ảnh Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 28/7, tại trụ sở UBND TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến để triển khai Kế hoạch 160 ngày 3/7/2017 của UBND TP về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, đồng thời sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy về cải cách hành chính (CCHC) và công bố kết quả Chỉ số CCHC năm 2016.

Tại đây, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết: Từ đầu năm đến nay, công tác CCHC của TP được đẩy mạnh; kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm và chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ công chức, viên chức có chuyển biến tích cực. Công tác chỉ đạo, điều hành của TP tiếp tục thực hiện theo hướng sâu sát, quyết liệt. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, phục vụ người dân và DN, rà soát, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính TTHC được tăng cường. Cải cách tài chính công được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, nhiều điểm đột phá. TP cũng đã tổ chức thành công Hội nghị "Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển".
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị.
Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, TP đã hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy 22 Sở và tương đương, sau sắp xếp, giảm từ 204 phòng xuống 158 phòng (giảm 46 phòng), giảm 26 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng. Số trưởng, phó phòng dôi dư được giảm dần trên cơ sở nghỉ hưu, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm ở những vị trí thích hợp. TP thống nhất tổ chức 12 phòng chuyên môn tại 30 quận, huyện, thị xã.

Cùng với việc sắp xếp các cơ quan hành chính, TP đã sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở giảm từ 401 đơn vị xuống 280 đơn vị, giảm 121 đơn vị (30,2%). Các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện giảm từ 206 đơn vị còn 96 đơn vị, giảm 110 đơn vị (53,4%). TP sắp xếp xong 70 Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng thuộc TP thành 5 BQLDA chuyên ngành trực thuộc UBND TP, 3 BQLDA thuộc sở, 3 BQLDA đặc thù và 30 BQLDA khu vực thuộc quận, huyện, thị xã...

Thực hiện nghiêm Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức7 tháng qua, TP đã tinh giản được 3 đợt với 269 trường hợp.

“Sự nỗ lực, cố gắng của TP đã được cộng đồng DN và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao qua các Chỉ số như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63 tỉnh, TP, cao nhất từ trước tới nay; Chỉ số CCHC (PAR INDEX) xếp thứ 3 cả nước (tăng 6 bậc); Chỉ số về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT (ICT) xếp thứ 2 cả nước. Hà Nội là địa phương đứng đầu toàn quốc về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng và cũng là địa phương duy nhất cung cấp dịch công mức 3 trong lĩnh vực tư pháp đồng bộ tới 100% xã, phường có liên thông dữ liệu với Bảo hiểm xã hội và Công an TP trên cơ sở khai thác cơ sở dữ liệu dân cư; lọt vào nhóm 4 TP có Chỉ số hạnh phúc cao nhất khu vực châu Á -Thái Bình Dương”, ông Sáng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Nội vụ, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục từ kết quả thực hiện CCHC của TP 7 tháng đầu năm nay. Trong đó, tiến độ xây dựng, triển khai một số nhiệm vụ, đề án theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Chương trình 08-CTr/TU còn chậm. Nhất là việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính tại một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm, một số công chức, viên chức chưa thật sự tự giác trong việc chấp hành; việc hướng dẫn thực hiện các quy định, TTHC còn chưa đúng dẫn đến bức xúc cho người dân, DN; tình trạng khiếu kiện còn phức tạp, có vụ việc kéo dài nhiều năm...

Cơ chế phối hợp giữa cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa liên thông còn hạn chế, chưa phát huy hiệu quả, còn tình trạng chậm muộn trong giải quyết hồ sơ liên thông. Ngoài ra, việc kết nối đến Cổng Dịch vụ công quốc gia để thống nhất cung cấp DVCTT mức 3 và mức 4 chưa có hướng dẫn cụ thể; sự tham gia của người dân đối với các DVCTT mức độ 3, 4 còn hạn chế.

Từ nay đến cuối năm, Ban Chỉ đạo Chương trình 08-CTr/TU xác định sẽ triển khai 9 nhóm giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh công tác CCHC. Trong đó trước hết, yêu cầu các sở, ngành, quận huyện, xã phường, đơn vị... tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và công tác chỉ đạo điều hành của các sở, cơ quan tương đương sở, UBND các cấp; tạo sự thống nhất, quyết tâm cao về quan điểm, nội dung, cách làm của cấp ủy và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các nội dung CCHC.

Đồng thời, cần xác định rõ trách nhiệm đối với giám đốc các sở nếu để xảy ra chậm muộn trong tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật, rà soát, trình công bố TTHC theo quy định. Đặc biệt, yêu cầu xây dựng chỉ tiêu cụ thể về đơn giản hóa TTHC và có cơ chế xử lý người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng quá hạn, tồn động hồ sơ.