Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Cố gắng giữ điểm sàn ổn định như các năm trước”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bộ GD-ĐT sẽ công bố điểm sàn năm 2010 trước ngày 10/8, để các trường có căn cứ xác định điểm trúng tuyển cho từng khối thi.

KTĐT - Bộ GD-ĐT sẽ công bố điểm sàn năm 2010 trước ngày 10/8, để các trường có căn cứ xác định điểm trúng tuyển cho từng khối thi.

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí & kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết tại buổi họp báo kết thúc tuyển sinh 2010: “Cố gắng giữ điểm sàn ổn định như các năm trước”.

Theo ông Nghĩa, nguyên tắc xác định điểm sàn dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ chính quy 2010 và kết qủa thi của thí sinh toàn quốc theo đề thi chung của Bộ. Hiện giờ, Hội đồng điểm sàn của Bộ chưa thể đưa ra dự đoán mức điểm sàn cụ thể nhưng sẽ cố gắng giữ ổn định điểm sàn như các năm trước.

Được biết, điểm sàn năm 2009, khối A,D: 13; khối B,C: 14. Điểm sàn năm 2008, khối A, D: 13, khối B: 15, C: 14.
 
Bộ GD-ĐT sẽ công bố điểm sàn  năm 2010 trước ngày 10/8, để các trường có căn cứ xác định điểm trúng tuyển cho từng khối thi.

Cuối tháng 7, các trường hoàn thành công tác chấm thi

Ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cho biết những TS nếu không trúng tuyển đợt 1 nhưng có kết quả thi ĐH bằng hoặc lớn hơn điểm sàn đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0) sẽ được cấp hai giấy chứng nhận kết quả thi ĐH, có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi (số 1 và số 2).

TS dùng giấy số 1 để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 2. Nếu vẫn không trúng tuyển đợt 2 thì dùng giấy số 2 để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 3. TS có kết quả thi ĐH thấp hơn điểm sàn được cấp phiếu báo điểm nhưng không được dùng để tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi ĐH theo đề thi chung để xét tuyển.

Chậm nhất là ngày 31/7 các trường ĐH phải hoàn thành công tác chấm thi và công bố điểm thi của TS trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với các trường CĐ sẽ phải công bố điểm thi trước ngày 5/8. Trước ngày 10/8, Hội đồng điểm sàn của Bộ sẽ họp để quyết định và công bố mức điểm sàn các khối A, B, C, D.

Thưởng 1 điểm cho bài thi có tính sáng tạo

Trước một số ý kiến cho rằng đề toán khối B năm nay quá khó, ông Trần Văn Nghĩa cho biết: “Đề thi năm nay không khác nhiều so với đề thi năm 2009, có nhiều câu phân loại học sinh, trong đề thi, câu V khó hơn 1 chút nhưng câu này dành cho các học sinh giỏi. Trước khi làm đề, bộ phận thực hiện đề thi đã sắp xếp 3 người giải thử đề và đều khẳng định rằng chỉ với kiến thức của chương trình học trong trường phổ thông, học sinh có thể giải được bài này, thậm chí theo nhiều phương án khác nhau”.

Về việc chấm thi đối với những bài làm có tính sáng tạo của thí sinh, ông Nghĩa cho hay: “Việc chấm thực hiện theo đáp án, song trong hướng dẫn chấm thi, thí sinh có phương án khác với đáp án thì vẫn được chấm điểm. Bài thi được chấm dựa vào khung điểm theo hướng dẫn của Bộ, bảo đảm quyền lợi cho các thí sinh. Những bài làm có cách giải đúng, độc đáo, sáng tạo có thể được thưởng tối đa 1 điểm cho mỗi bài thi, sau khi được trưởng điểm chấm thi thông qua”.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thang điểm chấm thi là thang điểm 10. Đối với các môn thi theo phương pháp tự luận, cán bộ chấm thi chỉ chấm theo thang điểm 10. Các ý nhỏ được chấm điểm lẻ đến 0,25 điểm. Riêng các môn năng khiếu và các môn thi theo phương pháp trắc nghiệm có thể theo thang điểm khác, nhưng điểm toàn bài phải quy về thang điểm 10, việc tính hệ số do máy tính thực hiện.

Cán bộ chấm thi phải chấm bài thi đúng theo thang điểm và đáp án chính thức của Bộ GD-ĐT phê duyệt (đối với các trường dùng chung đề thi của Bộ GD-ĐT). Khi chấm thi không quy tròn điểm từng bài thi. Việc quy tròn điểm do máy tính tự động thực hiện theo nguyên tắc: Nếu tổng điểm 3 môn thi có điểm lẻ từ 0,25 đến dưới 0,5 thì quy tròn thành 0,5; có điểm lẻ từ 0,75 đến dưới 1,0 thì quy tròn thành 1,0.
 

Tuyển sinh 2010:

Có 256 thí sinh và 9 cán bộ vi phạm quy chế thi bị xử lý kỷ luật.

Trong buổi họp báo kết thúc tuyển sinh 2010, ông Ngô Kim Khôi, Vụ phó Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, cả 2 đợt thi ĐH năm nay có 195 lượt trường tổ chức thi. Các trường đã chuẩn bị 1.865 điểm thi, 52.465 phòng thi, huy động trên 120.000 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh.

So với năm 2009, mặc dù số thí sinh dự thi giảm, nhưng các hội đồng thi đã thực hiện quy định mới của quy chế (theo danh sách chỉ xếp tối đa 40 thí sinh/phòng thi) nên số phòng thi tăng 3.457 phòng.

Tổng số hồ sơ đăng ký dự thi ĐH là 1.607.653, giảm 10,74% so với năm 2009. Số thí sinh dự thi là 1.237.870, đạt tỷ lệ 77% so với tổng số hồ sơ đăng ký, tăng 6,93% so với năm ngoái.

Trong số 256 thí sinh bị xử lý kỷ luật, có 34 trường hợp bị khiển trách, 22 cảnh cáo và 200 bị đình chỉ thi. Ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ cho biết có tới 60% lỗi của thí sinh là do mang điện thoại vào phòng thi, các lỗi còn lại là mang theo tài liệu và các vật dụng không được phép khác.

Nhận định chung về 2 đợt thi này, ông Khôi cũng cho biết đã kết thúc thắng lợi, diễn ra trong trật tự, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế, được dư luận xã hội hoan nghênh và đánh giá tốt.