Bên cạnh taxi truyền thống, dịch vụ gọi xe qua điện thoại như Uber, Grab đang ngày một phổ biến và được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh tính tiện lợi, các dịch vụ này cũng để lại không ít tai tiếng, đặc biệt là tính nhầm cước phí mà khách hàng phải trả. Là một trong số những trường hợp kể trên, phản ánh tới báo Kinh tế & Đô thị, anh D.C.T (Xuân Đỉnh, Hà Nội) cho biết, vào hồi hơn 19 giờ ngày 30/7 vừa qua, anh có di chuyển bằng xe Uber từ nhà tại Xuân Đỉnh tới ngõ 170 La Thành (Đống Đa, Hà Nội). Với tổng quãng đường di chuyển là 11,94 km, số tiền mà anh T phải thanh toán là 75.000 đồng.
Tuy nhiên, tới hơn 22 giờ cùng ngày, anh T tiếp tục di chuyển bằng xe Uber từ ngõ 170 La Thành về lại nhà tại Xuân đỉnh nhưng số cước phí mà anh phải thanh toán đã nhảy vọt lên tới 136.000 đồng. Cảm thấy vô lý, anh T đã xem lại Bản kê chi tiết về cước phí thì được biết, vào khung giờ này bên cạnh cước phí thông thường là 91.000 đồng, hành khách sẽ phải trả thêm phụ phí gọi xe trong giờ cao điểm là 45.000 đồng. "Nếu theo bản kê của Uber, cước phí thông thường (chưa tính thêm phụ phí) cho chiều về của tôi là 91.000 đồng, không hiểu sao cùng một quãng đường di chuyển với chiều đi nhưng số tiền phải thanh toán lại chênh lệch nhau đến vậy?" - anh T đặt câu hỏi.
Thêm vào đó, lượt đi của anh T có tổng quãng đường là 11,94 km nhưng lượt về lại lên đến 15,66 km, chênh gần 4 km. Cả 2 chiều đi và về, chỉ sai lệch một quãng nhỏ từ đoạn La Thành đến Kim Mã nhưng không hiểu sao phía Uber lại tính thêm vào quãng đường dài đến thế? anh T tiếp tục thắc mắc. Với quãng đường nội đô như vậy, cho dù tài xế có cố tình đi vòng vèo để tính thêm tiền thì cũng không thể chênh lệch tới 4km, tương đương với 1/3 quãng đường như vậy được, rõ ràng đây là hành vi gian lận của Uber, anh T bức xúc. Cũng theo anh T, anh đã phản ánh sự chênh lệch về cước phí cũng như quãng đường di chuyển trên tới bộ phận hỗ trợ của Uber. Nhưng trong lần đầu tiên trả lời, phía Uber chỉ đề cập tới việc bị chênh giá cước là do sử dụng xe vào giờ cao điểm chứ không hề nhắc tới lý do tại sao lại có đoạn chênh 4 km trên cùng một quãng đường di chuyển. Phải tới khi anh T kiên trì thắc mắc về sự chênh lệch 4 km này, phía Uber mới đổ lỗi cho... lỗi thiết bị GPS. Cụ thể, Uber đã phản hồi như sau: "Sau khi kiểm tra, chúng tôi nhận thấy có sự chênh lệch giữa cước phí ước tính và chi phí thực vì lỗi thiết bị GPS. Cước phí được tính dựa trên quãng đường và thời gian dựa theo tính toán của GPS của tài xế. Vì thế, nếu GPS gặp vấn đề về kĩ thuật, nó sẽ cho ra kết quả không chính xác.". Cùng với việc thừa nhận lỗi về phía mình, Uber đã tính toán lại cước phí chiều về của anh T chỉ còn 108.873 đồng và hoàn trả lại 27.127 đồng. Tuy hơn 27.000 đồng chỉ là một số tiền nhỏ với nhiều người, nhưng chỉ tính riêng ở địa phận Hà Nội, với hàng trăm chuyến Uber được sử dụng mỗi ngày, chỉ cần một phần xe trong số này lỗi GPS thì số tiền mà Uber kiếm được là không hề nhỏ. Và liệu nếu nhiều người dùng khác gặp phải trường hợp như tôi nhưng không thắc mắc tới cùng liệu họ có đòi được số tiền bị "móc túi" này? anh T đặt câu hỏi.
Chi tiết cước phí chiều đi của anh T |
Chi tiết cước phí chiều về của anh T |
Không chỉ tính sai cước phí, Uber còn dính nhiều "phốt" đáng chú ý trong thời gian gần đây: Vào tháng 4/2016, anh Vũ Đặng người Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh chơi và có sử dụng Uber để gọi xe. Mặc dù hành khách và xe chỉ đứng cách nhau một đoạn ngắn, nhưng tài xế lấy lý do ở xa nên không chịu chở và đòi người dùng hủy chuyến. Vì lý do phải tiễn bạn, nên một lúc sau anh Đặng mới vào ứng dụng Uber để hủy chuyến xe vừa đặt nhưng ngay sau đó, anh nhận được tin nhắn của lái xe: 'Cảm ơn nhiều vì 15.000 tiền hủy chuyến ngu nhé Bắc Kỳ'. Cách đây chưa lâu Mi Vân - một hot girl có tiếng ở Hà Nội cũng từng lên tiếng tố tài xế taxi của dịch vụ này nặng lời và có hành động bỏ mặc mình giữa đường, sau khi đôi bên tranh cãi về cách đặt xe. |