Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cô học trò nhỏ thi tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử

Thanh Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường với vóc dáng nhỏ nhắn, chưa từng tham gia thực hiện các thủ tục hành chính nhưng khi được tuyên truyền về cuộc thi, em Lê Khánh Linh, xã Văn Bình, huyện Thường Tín đã tham gia thi và đạt giải nhất với lứa tuối trên 14.

Em Lê Khánh Linh, học sinh lớp 11A3 Trường THPT Thường Tín
Em Lê Khánh Linh, học sinh lớp 11A3 Trường THPT Thường Tín

Với ý chí và quyết tâm tham gia Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn TP Hà Nội, cùng với việc có được sự quan tâm, hướng dẫn của cán bộ xã, em tích cực tìm hiểu thêm các quy định của pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến trên sách, báo, cùng các trang thông tin điện tử.

Em Lê Khánh Linh đã nhanh chóng hoàn thành phần thi trắc nghiệm trong thời gian nhanh nhất. Đồng thời, ở phần thi tự luận của em cũng đầy tính thuyết phục. Em Linh đã đạt giải Nhất Cuộc thi ở lứa tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 do TP tổ chức.

Gặp Linh trong một ngày cuối tháng 11/2023 nhận thấy cô học trò nhỏ với nụ cười tươi tắn gần gũi, Linh tâm sự: “Em sống trong một gia đình bố mẹ làm nghề sản xuất nông nghiệp, Linh có 2 chị gái đều đã tốt nghiệp đại học và đang đi làm theo ngành nghề mình yêu thích”.

Bên dưới Linh có một em trai sinh năm 2013 đang học ở Trường Tiểu học Văn Bình. Bản thân Linh suốt thời gian học tập từ lớp 1 đến lớp 10 cũng đều học tại Trường Tiểu học và THCS Văn Bình. 10 năm học qua, Linh luôn là học sinh giỏi và được thấy cô, bàn bè yêu mến.

Hiện nay, Linh đang là học sinh lớp 11A3 Trường THPT Thường Tín. Hàng ngày, buổi sáng em học ở trường, chiều về ôn bài ở nhà và học nhóm cùng các bạn. Lúc rảnh rỗi em phụ giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa và các công việc khác ở nhà. Sau khi biết kết quả của cuộc thi, Linh rất vui và tự tin hơn.

Để cuộc thi tìm hiểu pháp luật hiệu quả hơn, Linh chia sẻ, các cơ quan quản lý cần tăng cường truyền thông, quảng bá về dịch vụ công trực tuyến để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Trong đó chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Đồng thời, cần đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, trong đó có tuyên truyền trên mạng xã hội, như: Facebook, Zalo…sẽ giúp tác động trực tiếp đến giới trẻ và từ đó có thêm một kênh thông tin để đưa lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến đến từng hộ gia đình.

Ứng dụng những công nghệ mới để mở rộng, nâng cao chất lượng và tăng cường việc sử dụng dịch vụ trực tuyến trong tương lai. Trong đó, đề cao các vấn đề về an toàn, an ninh trong quá trình thiết lập tiêu chuẩn của việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Đặc biệt rất cần nhà nước và doanh nghiệp cùng vào cuộc hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng, trình độ sử dụng máy tính, internet cho người dân; hỗ trợ máy tính và bố trí điểm truy cập Internet công cộng; bố trí hệ thống mạng Wi-Fi miễn phí tại các khu vực đông dân cư đế người dân tiếp cận dịch vụ.

Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp cũng như đội ngũ cán bộ đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính các cấp. Tập huấn việc sử dụng phần mềm, tổ chức các hội nghị chia sẻ kinh nghiệm, mở các lớp bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ.

Trưởng phòng Tư pháp huyện Thường Tín Bùi Thành Công cho biết: Thường Tín rất chú trọng khâu chấm thi vòng sơ khảo ở cấp huyện nên đã lựa chọn thành phần Ban giám khảo là những người am hiểu pháp luật. Công tác chấm thi đảm bảo khách quan, minh bạch, công bằng, đúng thể lệ được đặt lên hàng đầu.

Qua đó đã lựa chọn được các bài thi chất lượng tham gia vòng chung khảo. Trong đó, có bài dự thi của thí Linh đạt 27,44 điểm, đạt điểm cao nhất TP. Linh đúng là bông hoa đẹp nổi bật hơn so với nhiều thí sinh khác trong cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn TP Hà Nội diễn ra trong thời gian qua.