Quy tụ gần 200 gian hàng của doanh nghiệp trong và ngoài nước
Hội chợ AgroViet 2022, với quy mô gần 200 gian hàng, quy tụ các đơn vị đến từ các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi Cục Phát triển nông thôn, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Xúc tiến thương mại; các doanh nghiệp, hợp tác xã của 36 tỉnh thành phố trong cả nước và 29 doanh nghiệp quốc tế đến từ các nước Australia, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, New Zealand.
Mặt hàng được các địa phương đưa đến đây rất đa dạng và phòng phú như: nông thủy sản, hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm đồ uống; các loại gạo ngon nhất Việt Nam đảm bảo truy nguồn gốc xuất sứ rõ ràng, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm xuất khẩu chủ lực như: Gạo ST25 hữu cơ và organic, ST24 organic, gạo lức ST, Japonica, ST đỏ, ST tím than, gạo ông Thọ, gạo Nàng Sen, gạo Én Xuân, gạo Séng cù Lào Cai; cà phê, chè, gia vị các loại.
Ngoài các loại thủy hải sản chế biến, đóng hộp, đông lạnh, Hội chợ còn trưng bày, giới thiệu các sản phẩm giống cây trồng như: Rau sản xuất nông nghiệp truyền thống và thủy canh; hoa cây cảnh, vật tư phân bón, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp…
Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Hội chợ AgroViet 2022 tập trung vào kết nối chuỗi giá trị - Hướng tới nền Nông nghiệp xanh và phát triển bền vững.
Ngoài hoạt động xúc tiến thương mại thường niên quan trọng của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay Hội chợ giới thiệu những thành tựu về phát triển nông nghiệp nhất là các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm thân thiện với môi trường; tạo cơ hội kết nối, giao lưu giữa các doanh nghiệp, các địa phương, đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế.
Thúc đẩy giới thiệu sản phẩm, tiềm năng, thế mạnh và kêu gọi thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp, nhằm góp phần triển khai Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Cơ hội cho doanh nghiệp Hà Nội quảng bá sản phẩm
Theo ghi nhận, các doanh nghiệp của Hà Nội tham gia tại Hội chợ là những đơn vị tiêu biểu trong hoạt động sản xuất các sản phẩm đặc trưng của Hà Nội như: Sản xuất trà ướp hương tự nhiên theo phương pháp truyền thống, sơn mài, đồ gỗ mỹ nghệ, sản xuất nón làng chuông, gạo ST25 hữu cơ và một số doanh nghiệp chế biến nông sản khác.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Mai chuyên sản xuất trà ướp hương hoa tự nhiên, với thương hiệu Nhật Mai chia sẻ: “Hội chợ là cơ hội chúng tôi quảng bá sản phẩm trà tốt nhất đến tay người tiêu dùng của Hà Nội và cả nước. Đây là cơ hội rất lớn cho các DN cũng như những nghệ nhân; dù sản xuất sản phẩm rất tốt, nhưng không có cơ hội giới thiệu thì người tiêu dùng sẽ không biết đến. Khi được quảng bá như thế này sẽ có nhiều người trong nước và quốc tế biết đến để tiêu thụ sản phẩm”.
Nếu như sản phẩm đồ uống trong 2 năm dịch bệnh người dân vẫn tiêu dùng bình thường thì những sản phẩm điêu khắc, mỹ nghệ, nón lá của các làng nghề Hà Nội lại gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ.
Với nghệ nhân làng nghề Việt Nam - Bà Tạ Thu Hương, chuyên sản xuất nón ở làng Chuông cho hay, cơ sở của bà giải quyết việc làm cho vài trăm hộ gia đình có việc làm lúc nông nhàn, hoặc người già. Trước kia sản phẩm nón chuông của gia đình bà bán đi khắp cả nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, 2 năm dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc bán hàng.
Nghệ nhân Tạ Thu Hương, cho biết: "Khoảng 6 tháng đầu có dịch bệnh, hầu hết sản phẩm nón của chúng tôi làm ra không bán được. Bà con chủ yếu làm cầm cự và nhiều người phải nghỉ việc. Tôi rất trăn trở để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng với 6 sản phẩm OCOP 4 sao, được truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý. Sản phẩm được giới thiệu tại Hội chợ là cơ hội để quảng bá sản phẩm đến các DN trong và ngoài nước, xúc tiến thương mại trên các kênh bán hàng, giúp cho những người làm nghề giữ được nghề với sản phẩm mang thương hiệu Hà Nội".
Cũng giống nghệ nhân Tạ Thu Hương, nghệ nhân làng nghề Việt Nam Nguyễn Thu Hương, ở Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, suốt trong thời gian qua, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến cơ sở của bà tồn đọng khá nhiều sản phẩm, với hàng tỷ đồng tiền hàng tồn kho. Được đến với Hội chợ để quảng bá sản phẩm là cơ hội giúp cho không chỉ sơ sở của nghệ nhân mà của làng nghề Chuyên Mỹ được nhiều người biết đến.
Nghệ nhân Nguyễn Thu Hương chia sẻ: "Sản phẩm sơn mài truyền thống chúng tôi làm ra chất lượng, đặc sắc. Trước kia chủ yếu xuất đi châu Âu và được đưa vào tour du lịch đón khách quốc tế. Nhưng 2 năm nay do dịch bệnh Covid-19, sản phẩm tồn đọng rất nhiều, nhân công bị giảm, hiện chỉ có khoảng một nửa số lao động làm việc do đầu ra sản phẩm không xuất bán được. Thông qua Hội chợ này, chúng tôi muốn quảng bá sản phẩm của đơn vị cũng như làng nghề Chuyên Mỹ đến với các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước".
Anh Lê Thành Dương (quận Cầu Giấy) lần đầu biết đến sản phẩm sơn mài, gỗ mỹ nghệ, anh chia sẻ: “Đến với Hội chợ, cũng là lần đầu tiên tôi biết đến sản phẩm sơn mài và gỗ mỹ nghệ. Sản phẩm đẹp, chất lượng nên tôi đã mua... Hội chợ là cơ hội tốt cho người dân đi mua sắm những sản phẩm chất lượng của các vùng miền, làng nghề cũng như một số quốc gia giới thiệu ở đây”.
Cũng tại Hội chợ đã có khá nhiều khách tiêu dùng mua sắm hàng hoá. Một số người thông qua Hội chợ đã kết nối giao thương mở đại lý, cơ sở tiêu thụ sản phẩm hàng hoá. Có thể nói, đây là cơ hội tốt cho các DN, hộ gia đình trên địa bàn TP Hà Nội quảng bá được sản phẩm chất lượng đến với người tiêu dùng và đối tác trong và ngoài nước.