Tiềm năng lớn
Hà Nội sở hữu nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó, khu di tích Hoàng thành Thăng Long, lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng, đền Sóc và nghệ thuật Ca trù đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới. Hệ thống các văn bia tiến sĩ thời Lê Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng được công nhận là di sản tư liệu thế giới. Tính đến thời điểm này, Thủ đô sở hữu gần 5.000 di tích, trong đó có 803 di tích được xếp hạng, nhờ đó, DL văn hóa, di tích lịch sử, tâm linh... ngày càng phát triển. Chẳng những thế, các loại hình DL sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí cũng không ngừng được đầu tư bài bản cùng hệ thống các nhà hàng, khách sạn, đơn vị văn hóa nghệ thuật truyền thống và hiện đại, các nhà hát, bảo tàng lớn. Vì thế, liên tục trong nhiều năm qua, Hà Nội luôn được du khách và bạn đọc của các tạp chí DL uy tín trên thế giới bình chọn là điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á và là một trong 10 điểm đến DL đang nổi trên thế giới.
Không chỉ khai thác tốt những tiềm năng, thế mạnh vốn có, những người làm DL Thủ đô còn nỗ lực mở rộng và phát triển các loại hình, sản phẩm mới như: DL cộng đồng, DL nông nghiệp, DL làng nghề, DL võ thuật, DL chữa bệnh... Điều này đã góp phần thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế đến với Hà Nội. Minh chứng là lượng khách quốc tế đến Thủ đô chiếm hơn 31% tổng lượng khách đến Việt Nam trong 5 năm gần đây. Còn khách DL nội địa luôn dẫn đầu cả nước. Cùng với đó, trung bình lượng khách đến Thủ đô tăng từ 18 - 20%/năm. Năm 2010, con số này đạt hơn 1,7 triệu lượt. Đến năm 2014, lượng khách quốc tế đến Hà Nội đã đạt mức 3 triệu lượt người, tăng 16% so với năm 2013. Khách nội địa lên tới khoảng 15,5 triệu lượt người, tăng 11%. Doanh thu từ DL của Thủ đô ước đạt 48.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước. Với những thành tựu đó, Hà Nội ngày càng khẳng định vị thế là một trung tâm DL lớn của cả nước.
Nhu cầu cấp bách
Mặc dù đã đạt nhiều thành tựu, nhưng ngành DL vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Cùng với sự phát triển nhanh chóng, ngành DL cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, rõ nét nhất là một số bất cập trong công tác quản lý. Bởi lẽ, sau khi sáp nhập vào Sở VHTT&DL, số cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý Nhà nước về DL tăng không đáng kể so với thời điểm còn mô hình Sở DL. Tuy nhiên, họ phải đảm đương khối lượng công việc lớn gấp nhiều lần khi địa giới hành chính mở rộng, số lượng DN DL không ngừng gia tăng. Trong khi đó, đội ngũ thanh tra chuyên ngành DL cũng được sáp nhập vào thanh tra chung của Sở VHTT&DL nên hiệu quả hoạt động không cao do phải tập trung vào nhiều nhiệm vụ trọng tâm khác. Bởi thế, Hà Nội cần có một cơ quan thực hiện công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành về DL tương xứng để nâng cao hiệu lực quản lý đảm bảo sâu sát, kịp thời và chặt chẽ...
Vì thế, giới chuyên môn cũng cho rằng, Hà Nội cần có các cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính để thu hút nguồn vốn xã hội hóa các sản phẩm DL từ đơn giản đến cao cấp. Trong đó, chú trọng hình thành các khu DL nghỉ dưỡng cuối tuần, vui chơi giải trí; ưu tiên, tập trung đầu tư các dự án DL lớn tại các khu vực ngoại thành của TP. Muốn vậy, chất lượng nguồn nhân lực phải đi trước một bước. Thế nên, Hà Nội phải tự tổ chức đào tạo lại, đào tạo mới đội ngũ cán bộ. Mặt khác, TP cần phối hợp với các tỉnh bạn và Tổng cục DL để đào tạo đội ngũ cán bộ theo chương trình, dự án của ngành nhằm nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ ngang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế. Đồng thời, khuyến khích các DN chủ động tự đào tạo để phục vụ nhu cầu của đơn vị. Ngành DL Thủ đô cũng phải tăng cường và nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp của các hoạt động quảng bá xúc tiến trong và ngoài nước để thu hút khách… Để thực hiện khối lượng công việc đồ sộ như vậy, việc tách Sở DL thành một sở hoạt động độc lập là nhu cầu cần thiết và cấp bách trong bối cảnh hiện nay.
Khách du lịch nước ngoài mua đồ lưu niệm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Thanh Hải
|
Chánh văn phòng Hiệp hội DL Hà Nội Vũ Chính Đông:
Không tách khó đáp ứng được nhu cầu Tôi rất mừng khi biết tin Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý với đề xuất của UBND TP Hà Nội xin thành lập Sở DL trên cơ sở tách từ Sở VHTT&DL. Bởi lẽ, trong nhiều lần phát biểu gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: Phải đưa DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chiến lược phát triển DL Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã đề ra mục tiêu: Phấn đấu đưa DL nước ta thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020. Thủ đô Hà Nội là Trung tâm DL lớn của cả nước, đang đầu tư ngày càng nhiều hơn để phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của TP. Trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam nói chung và DL Hà Nội nói riêng đang trên đà phát triển, nếu không tách Sở DL ra khỏi Sở VHTT&DL Hà Nội thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu thực tế quản lý Nhà nước của địa phương. Nhất là từ khi mở rộng địa giới hành chính, địa bàn rộng khiến công tác quản lý và đưa ra những quyết định, chính sách mới về DL của Hà Nội trở nên khó khăn gấp bội. Bởi vậy, nhu cầu tách Sở DL đã trở nên cấp thiết đối với Thủ đô. |
Phó Chủ nhiệm Khoa Du lịch, Viện Đại học Mở Hà Nội Vũ An Dân: Trở về guồng quay cũ Việc thành lập Sở DL trên cơ sở tách từ Sở VHTT&DL Hà Nội là rất cần thiết, bởi các cơ quan quản lý ngành sẽ có điều kiện quản lý hoạt động DL tốt hơn. Chúng ta đều biết, Hà Nội là một trong những trung tâm DL lớn của cả nước, hoạt động này vì thế cũng tương đối đa dạng và phức tạp. Nếu vẫn giữ Sở VHTT&DL, thì việc đưa ra quyết định về DL phải thông qua các phòng, ban, Phó Giám đốc, Giám đốc Sở, rồi mới trình lên Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND TP…, như vậy phải qua rất nhiều cây cầu, khiến quy trình trở nên phức tạp. Mặt khác, về bản chất, quản lý ngành DL có một Phó Giám đốc Sở phụ trách, nhưng khi đưa ra quyết định, lãnh đạo Sở và các phòng, ban khác phải họp bàn với nhau, tuy nhiên, không phải ai cũng có chuyên môn về DL, mặt khác, người làm văn hóa, thể thao có cách tiếp cận khác với người làm DL. Do đó, có thể dẫn đến những tranh cãi hoặc khó đi đến kết luận cuối cùng. Mặt khác, khi có nguồn lực, ngân sách cấp cho Sở thì ưu tiên cho mảng nào? Nếu tách Sở DL, điều này sẽ trở nên dễ dàng hơn. Khi tách cũng có những ý kiến trái chiều như bộ máy tổ chức, chi phí văn bản, giấy tờ, con dấu…, nhưng tôi cho rằng, đây không phải yếu tố gây cản trở. Bởi lẽ, trước đây đã tồn tại Sở DL, đội ngũ nhân sự hiện nay cơ bản đảm nhận được công việc. Về bản chất, tách Sở DL ra khỏi Sở VHTT&DL chỉ là trở về guồng quay cũ mà thôi. |
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Du lịch Phượng Hoàng Lê Tuấn Linh: Đề xuất Chính phủ thành lập Bộ Du lịch Vì DL là một ngành nghề kinh doanh (khác với văn hóa và thể thao) nên cần có cơ chế hoạt động độc lập. Là một DN kinh doanh DL, tôi thấy việc Sở DL tồn tại độc lập sẽ có tiếng nói mạnh mẽ và tập trung hơn về lĩnh vực DL đối với UBND TP và các ban, ngành liên quan. Nhân đây, tôi cũng đề xuất, Chính phủ nên mạnh dạn thành lập Bộ DL (tách Tổng cục DL ra khỏi Bộ VHTT&DL) giống như các nước có ngành DL phát triển khác, bởi DL đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn thì nên có bộ chủ quản độc lập quản lý nhằm nâng cao chất lượng ngành nghề, chủ động tập trung vào phát triển thế mạnh của mình, kể cả trong quan hệ với đối tác trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc phát triển DL trong tương lai. |