Cơ hội để du lịch Hà Nội quảng bá

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từ ngày 9 - 13/10, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị thường niên lần thứ X, Hội đồng xúc tiến du lịch châu Á (CPTA).

Tại hội nghị lần này, ngành du lịch Hà Nội sẽ có những hoạt động gì trong việc quảng bá hình ảnh, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc sở VHTT&DL Hà Nội.
 
Hội nghị CPTA là một trong những hoạt động lớn không chỉ đối với du lịch Thủ đô mà còn của cả nước. Hội nghị sẽ tập trung thảo luận những vấn đề gì, thưa ông?

- Với chủ đề "Du lịch - Nguồn sức mạnh để phát triển bền vững", các đại biểu đến từ các thành phố như: Tokyo (Nhật Bản), New Delhi (Ấn Độ), Seoul (Hàn Quốc), Jakarta (Indonesia), Kuala Lumper (Malaysia), BangKok (Thái Lan)… sẽ đánh giá lại những công việc đã triển khai, hoạch định và thống nhất việc thực hiện các dự án mới; Đề xuất các giải pháp cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp trong việc quảng bá du lịch của các thành phố thành viên.

Nhằm triển khai thành công chiến dịch "Chào mừng đến với châu Á" từ đó đưa mạng lưới du lịch châu Á phát triển bền vững, các đại biểu còn thảo luận, đưa ra những cách thức hợp tác xúc tiến du lịch giữa các thành phố với các tổ chức, đơn vị kinh doanh. Trong những ngày diễn ra hội nghị, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam thảo luận với đại diện 8 thành phố những vấn đề thu hút khách quốc tế đến với du lịch châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Một trong những nội dung quan trọng tại phiên họp mở rộng là việc tập trung thảo luận về vấn đề du lịch sẽ có tác động như thế nào trong việc phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia; Hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu vùng xa có thêm cơ hội được trực tiếp tham gia và thu lợi từ hoạt động du lịch.

 
 
Cơ hội để du lịch Hà Nội quảng bá - Ảnh 1
Khu phố cổ Hà Nội thu hút nhiều du khách quốc tế. Ảnh: Hoài Nam

 Đây là lần thứ ba Hà Nội đăng cai tổ chức, theo ông, so với 2 lần tổ chức trước, về phía "chủ nhà" có gì mới?

- So với 2 lần tổ chức trước đây vào năm 2003 và năm 2008, Hà Nội mang đến Hội nghị CPTA này diện mạo mới. Đây là lần đầu tiên Hà Nội đăng cai sau khi đã mở rộng địa giới hành chính, nên phong phú, giàu có hơn về tài nguyên du lịch nhân văn và tự nhiên. Do đó, trong lần này cùng với những nét của Hà Nội cũ, những sản phẩm du lịch đã quen thuộc của Hà Nội trước khi mở rộng địa giới hành chính đã được nâng cấp; Những sản phẩm du lịch mới được hình thành trong thời gian gần đây… các đại biểu sẽ được tiếp cận với những tài nguyên, không gian du lịch mới, lạ, hấp dẫn của Hà Nội mà những lần trước du lịch Thủ đô chưa có.

Với lợi thế là chủ nhà, Hà Nội sẽ có hình thức quảng bá như thế nào với các thành viên khác?

- Nằm trong khuôn khổ của hội nghị, ngành du lịch Hà Nội sẽ tổ chức cho các đại biểu đi tham quan làng cổ Đường Lâm, làng nghề Vạn Phúc, Bảo tàng Hà Nội… Từ đó, các doanh nghiệp, báo giới đến từ các thành phố thành viên có thể thấy được diện mạo không gian du lịch mới của Hà Nội sau khi mở rộng. Thông qua hoạt động này, ngành du lịch sẽ giới thiệu Hà Nội là một thành phố năng động, thân thiện, mến khách và đang phát triển mạnh mẽ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, ngành du lịch còn tổ chức triển lãm mang chủ đề "Chào mừng đến châu Á" với quy mô 40 gian hàng của các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, hàng không trong và ngoài nước... Tại đây, các doanh nghiệp lữ hành như: Hanoitourist, Vietrantour, Hanoi Redtours… sẽ tung những chùm tour ngắn ngày, giới thiệu đến du khách quốc tế các điểm di tích văn hóa - lịch sử của mảnh đất Thăng Long như: các làng nghề, phố cổ, Hoàng thành…
Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng giới thiệu những sản phẩm quà lưu niệm dành cho khách du lịch như tranh thêu, đồ gốm sứ, tơ lụa, trang sức bằng sừng… của các làng nghề: Quất Động, Thường Tín, Vạn Phúc, Bát Tràng... Đây là những điều mà ngành du lịch Thủ đô muốn quảng bá hình ảnh của mình đến quan khách các nước và tạo thêm lực hút du khách quốc tế đến với Hà Nội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần