Cuộc họp diễn ra chỉ một tuần sau khi Hải quân Mỹ cử một tàu khu trục tới đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép tại Biển Đông, động thái được Nhật Bản – đồng minh thân cận của Washington ủng hộ. Bên cạnh vấn đề Biển Đông đang “nóng” trên chính trường thế giới, Tokyo cũng quan ngại trước tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc, có thể lan tới biển Hoa Đông, nơi hai bên đang có tranh chấp lãnh thổ trên biển. Trong khi đó, những bất đồng về lịch sử từ Thế chiến II giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn còn chưa có dấu hiệu nguôi ngoai.
Trong bối cảnh xu hướng hội nhập toàn cầu đang chi phối mọi mối quan hệ quốc tế, việc 3 cường quốc Đông Bắc Á gác lại khác biệt, nối lại hợp tác nhằm đảm bảo lợi ích là điều tất yếu. Trên thực tế, sau cuộc họp lịch sử kéo dài 90 phút tại Thủ đô Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã khẳng định, 3 bên sẽ gạt sang một bên những khúc mắc lịch sử để thảo luận những mối quan tâm chung về an ninh và thương mại. Việc 3 nhà lãnh đạo nhất trí nối lại hội nghị thượng đỉnh 3 bên thường niên và lên kế hoạch gặp nhau tại Nhật Bản vào năm tới là thành công lớn nhất của cuộc gặp lần này. Kết quả này đã phát đi thông điệp được các nhà lãnh đạo của “bộ ba” quyền lực trong khu vực cam kết thúc đẩy hợp tác giữa 3 nước trên tinh thần “đối diện với lịch sử một cách trung thực và hướng tới tương lai”.
Giữa lúc cả 3 nền kinh tế lớn của khu vực Đông Bắc Á đều đang phải đối mặt với những vấn đề của riêng mình, lãnh đạo 3 nước cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và thúc đẩy các cuộc thương lượng hướng tới một thỏa thuận thương mại 3 bên vốn chiếm tới 20% nền kinh tế thế giới. Một hiệp định thương mại tự do (FTA) hay bất kỳ thỏa thuận kinh tế nào giữa 3 nước Đông Bắc Á lần này đều mang giá trị thúc đẩy niềm tin cho Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang đối mặt với nguy cơ suy thoái. Trong khi đó, những chính sách cải cách kinh tế Abenomics tiếp tục bị nghi ngờ tính hiệu quả cũng góp thêm động lực để ông Shinzo Abe tiến tới những hợp tác kinh tế, thương mại. Với Hàn Quốc, tác động tiêu cực của dịch MERS đã gây ra một “cú sốc” với ngành du lịch, dịch vụ và những lợi ích của FTA sẽ là liều “kháng sinh” giúp nền kinh tế này miễn nhiễm với những đợt khủng hoảng tương tự.
Ngoài việc ủng hộ hình thành một khu vực thương mại tự do giữa 3 nước, các giới chức thương mại của Bắc Kinh, Tokyo và Seoul đã thảo luận những sách lược để thúc đẩy Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện trong khu vực (RCEP), một thỏa thuận thương mại tự do toàn Á. Việc thúc đẩy các cuộc thương lượng RCEP với 16 nước bắt đầu từ năm 2013 nhưng đang bị chậm lại tạo ra nguy cơ “xói mòn” dòng vốn đầu tư cho Trung - Nhật - Hàn.
Hiện chưa rõ các cam kết này có được thực hiện trên thực tế hay không nhưng chắc chắn nó sẽ tạo sinh lực mới cho sự phát triển toàn diện các mối quan hệ Trung - Nhật - Hàn trong thời gian tới và tạo ra một môi trường hòa bình, ổn định thuận lợi cho sự hợp tác và phát triển trong khu vực.
Cuộc gặp của lãnh đạo Trung - Nhật - Hàn mở ra cơ hội để 3 nước hóa giải khác biệt.
|