Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội mới, áp lực mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên lề hội nghị cấp cao vừa diễn ra tuần trước của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở TP Ufa (Nga) đã có cuộc gặp giữa Thủ tướng Pakistan Nawar Sharif và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Dù còn nhiều bất đồng và không ít nghi kỵ tồn tại của lịch sử nhưng lãnh đạo Pakistan và Ấn Độ vẫn buộc phải gặp nhau khi cả hai đều được kết nạp làm thành viên chính thức của SCO.

SCO cùng với BRICS là hai tổ chức hay khuôn khổ diễn đàn khu vực và quốc tế mà Nga và Trung Quốc có vai trò quyết định nhất. SCO chắc chắn sẽ không chuyển tư cách của Ấn Độ và Pakistan từ quan sát viên lên thành thành viên chính thức của SCO nếu không thấy triển vọng mối quan hệ song phương này bớt căng thẳng và bình thường hóa, bớt đối đầu và tăng hợp tác. Nếu không xác nhận thiện chí hòa bình và hòa giải ở cả hai phía và nếu không thấy SCO rồi đây sẽ có vai trò và ảnh hưởng không chỉ trong mối quan hệ song phương này mà còn ở cả khu vực Nam Á.

Việc chính thức tham gia SCO vậy là tạo cơ hội mới cho Ấn Độ và Pakistan đẩy mạnh quá trình bình thường hóa quan hệ. Cơ hội ấy đồng thời còn đưa lại áp lực mới đối với cả hai bên. Cuộc gặp giữa ông Sharif và ông Modi ở Ufa là bằng chứng. Kết quả cuộc gặp này cũng cho thấy, hai phía cảm nhận được áp lực đó và hạ quyết tâm tận dụng cơ hội mới nói trên.

Đáng chú ý nhất trong những kết quả cụ thể ấy là việc ông Modi nhận lời mời của ông Sharif sang thăm Pakistan. Đó sẽ là lần đầu tiên ông Modi sang thăm nước láng giềng này kể từ khi lên cầm quyền ở Ấn Độ. Điều này cũng còn có nghĩa là hai phía sẽ phải cùng thiện chí hòa bình và hòa giải thật sự và kiên định hơn nữa để chuyến thăm của ông Modi thành công. Ông Modi và ông Sharif còn thỏa thuận tăng cường hợp tác để chống khủng bố và đặc biệt là phía Pakistan đáp ứng một vài yêu cầu gần như mang tính tiên quyết của phía Ấn Độ.

Như vậy, có thể nói, quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan đang trong bước chuyển giai đoạn. Sự tham gia vào SCO buộc cả hai đều phải khác trước để mối quan hệ song phương gữa họ với nhau không gây khó cho SCO và không cản trở sự đồng thuận quan điểm trong SCO. Mặt khác, mối quan hệ này có bình thường hóa và cải thiện thì SCO mới có thể gây dựng vai trò và phát huy ảnh hưởng được ở khu vực Nam Á. Tương tự như vậy, Ấn Độ và Pakistan phải đẩy mạnh quá trình bình thường hóa và cải thiện quan hệ song phương thì mới có thể tận dụng tư cách thành viên chính thức của SCO để vươn tới vị thế cao hơn ở khu vực và có được vai trò, ảnh hưởng chính trị an ninh ở khu vực, tạo dựng vị thế có lợi nhất cho mình trong SCO trước triển vọng rồi đây 3 nước quan sát viên hiện tại còn lại của SCO là Iran, Afghanistan và Mông Cổ cũng sẽ được SCO kết nạp làm thành viên chính thức. Sân chơi chính trị quyền lực mới nào cũng bao hàm cả cơ hội mới lẫn thách thức mới.