Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội nào cho cổ phiếu ngân hàng?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - “Việc Hội nghị thường niên lần thứ 44 của ADB được tổ chức tại Việt Nam, tất nhiên sẽ là thời cơ cho các ngân hàng thương mại trong nước quảng bá, giới thiệu hình ảnh của mình với các đối tác tài chính quốc tế".

KTĐT - “Việc Hội nghị thường niên lần thứ 44 của ADB được tổ chức tại Việt Nam, tất nhiên sẽ là thời cơ cho các ngân hàng thương mại trong nước quảng bá, giới thiệu hình ảnh của mình với các đối tác tài chính quốc tế".

Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Ngân hàng Châu Á (ADB) được tổ chức vào 3-6/5/2011 tại Hà Nội với sự tham gia của trên 3.000 đại biểu đến từ các quốc gia thành viên, các quan sát viên, các thành viên của các cộng đồng tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp quốc tế...

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự kiện trên sẽ tạo cơ hội cho các định chế tài trong nước tiếp cận, tìm kiếm đối tác tiềm năng trong việc mở rộng và phát triển quy mô và công nghệ, kỹ thuật...

“Việc Hội nghị thường niên lần thứ 44 của ADB được tổ chức tại Việt Nam, tất nhiên sẽ là thời cơ cho các ngân hàng thương mại trong nước quảng bá, giới thiệu hình ảnh của mình với các đối tác tài chính quốc tế,” ông Domimic Scriven, Tổng giám đốc Quỹ Dragon Capital đưa ra nhận định.

Tuy nhiên, dưới các quan điểm đầu tư thì hầu hết các nhà phân tích lại không cho rằng nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng theo đó sẽ thu hút được sự chú ý của dòng tiền trên thị trường.

Theo ông Phạm Thế Anh, Chuyên gia kinh tế trưởng Công ty chứng khoán Thăng Long, kể cả các ngân hàng có tìm kiếm được các đối tác chiến lược hay ký được những thỏa thuận hợp tác đầu tư trong thời điểm này thì cũng sẽ không tác động nhiều đến tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Bởi yếu tố vĩ mô "yếu" đang tác động một cách tổng thể tới toàn thị trường.

Báo cáo phân tích ngành mới đây của Công ty chứng khoán SME đưa ra diễn biến thực tiễn, cổ phiếu ngân hàng vẫn liên tục đi ngang mặc dù kế hoạch kinh doanh năm 2011 của ngành này vẫn rất khả quan trong bối cảnh tín dụng thắt chặt.

Cụ thể trên thị trường niêm yết, các mã cổ phiếu như SHB (Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội) có kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 1.050 tỷ đồng, tăng 60% so với 2010. Mã CTG (Ngân hàng Vietinbank) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5.100 tỷ đồng, tăng 11% so với thực hiện năm 2010.

Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (mã STB) có kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 2.700 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2010 hay như mã cổ phiếu EIB (Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam) cũng đưa ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế 3.000 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2010...

Tuy nhiên SME cho rằng, có nhiều cách để khối ngân hàng có thể đạt được lợi nhuận đặt ra không nhất thiết phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng.

“Có lẽ một trong những phương pháp mà khối ngân hàng sẽ dùng là bán tài sản cố định khi cần thiết mặc dù đây không phải là một phương án hay,” SME chỉ ra lo ngại.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Domimic Scriven nhấn mạnh, không chỉ ở Việt Nam, khối ngân hàng quốc tế cũng đang gặp phải nhiều sức ép lớn vì vậy đối với họ đồng vốn ở thời điểm này cũng quý lắm. Do vậy, khả năng cạnh tranh về vốn đã mang tính chất toàn cầu.

“Trong khi tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam nói chung đang giảm và ngành ngân hàng nói riêng đang phải đối phó với nhiều vấn đề. Theo cá nhân tôi, ngành này hiện nay là khó dự báo nên rất khó phán đoán, vì vậy các quỹ quốc tế sẽ không đặt kỳ vọng nhiều,” ông Domimic Scriven nói./.