Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội nhà giáo thể hiện năng lực bản thân

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 15 - 20/9, tại trường Cao đẳng nghề (CĐN) Công nghiệp Hà Nội và trường Trung cấp nghề (TCN) Giao thông công chính Hà Nội đang diễn ra Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) toàn quốc năm 2018, do Bộ LĐTB&XH và UBND TP Hà Nội tổ chức. Đây là cơ hội để 373 nhà giáo từ 56 tỉnh, thành trình diễn khả năng sư phạm cũng như năng lực bản thân.

Trình diễn bài giảng tâm đắc
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng, các bài được đăng ký tham dự Hội giảng lần này không chỉ phong phú ở phương pháp mà còn rất đa dạng ở lĩnh vực ngành nghề. Một số lĩnh vực lần đầu tiên có bài giảng tham gia Hội giảng như: Y tế, Văn hóa nghệ thuật… Các bài đăng ký tham gia trình giảng tại Hội giảng hầu hết thuộc các nghề phổ biến, có nhu cầu nhân lực lớn, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại.
Các nhà giáo tham gia trình giảng tại Tiểu ban Du lịch, Dịch vụ, Khách sạn – nhà hàng tại Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc 2018. Ảnh: Thủy Trúc
Tại điểm thi trường CĐN Công nghiệp Hà Nội, khu vực các phòng thi, theo thứ tự bốc thăm, từng giáo viên trình bày trước ban giám khảo và sinh viên theo 1 trong 3 hình thức (lý thuyết, thực hành, tích hợp) được bốc thăm trước đó. Vừa hoàn thành xong bài trình giảng, cô Tăng Thị Cảnh Dung - Giảng viên khoa Du lịch, trường CĐN Đà Lạt chia sẻ, đây là lần đầu tiên có cơ hội được tham gia Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc. Đến từ ngôi trường dạy nghề đóng tại xứ sở hoa Đà Lạt nên cô Cảnh Dung lựa chọn đề tài Kỹ thuật tỉa hoa thược dược đơn từ quả dưa hấu. “Những lúc ôn tập, tôi luôn đặt ra mục tiêu rất cao nhưng trong quá trình trình giảng trước hội đồng Ban giám khảo, chuyện đạt được kết quả tốt hay không thì không hẳn nữa. Mình muốn được thể hiện được năng lực bản thân để Ban giám khảo nhận xét, đánh giá từ đó rút ra bài học cho mình” – cô Dung bộc bạch.

Vừa biết kết quả bài trình giảng bài tích hợp Trang trí giường theo chủ đề sinh nhật đạt trên 18 điểm, cô Phạm Thị Lan đến từ TP Hoa phượng đỏ rất vui. Trước sự ngạc nhiên của mọi người về nội dung bài giảng, cô Lan giải thích, đây là một dịch vụ trong khách sạn của các tập đoàn lớn ở Hải Phòng muốn cung cấp cho khách sự trải nghiệm trên cả mong đợi.

Phát huy vai trò người thầy

Trước những yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, người thầy dạy nghề phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thực tiễn nghề nghiệp vào từng tiết giảng. Vì thế, Hội giảng nhà giáo GDNN đã thu hút trên 1.700 nhà quản lý và giáo viên các trường nghề trong cả nước đến học hỏi những bài giảng sáng tạo. Ông Lê Xuân Ý – Phó Trưởng phòng GDNN, Sở LĐTB&XH Hà Tĩnh cho biết: “Đoàn có 6 giáo viên tham gia 6 nghề nhưng số người đến Hội giảng đông hơn để học tập những phương pháp đào tạo nghề từ các trường bạn. Không những thế, tôi còn khuyên các giáo viên trong đoàn sau khi trình giảng xong cố gắng tham dự 1 - 2 tiết của trường khác để xem họ làm thế nào từ đó rút ra kinh nghiệm cho bản thân”. Đối với cô giáo Cảnh Dung, những lời nhận xét và đánh giá từ Ban giám khảo sẽ giúp mình cải thiện hơn trong các giờ lên lớp dạy nghề. Đồng thời, cũng học thêm được những phương pháp mới từ nhiều đồng nghiệp đến từ các trường khác. Cô Dung cho biết, sau Hội giảng này sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động cũng như đưa thêm những kiến thức rất sát với thực tế vào giờ giảng để hấp dẫn học sinh, sinh viên.

Trong khi đó, cô Đỗ Thị Trúc Lan - Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng, trường CĐN Đà Lạt chia sẻ, nhà trường học được nhiều phương pháp đặc thù, sáng tạo của các trường bạn. Nhiều nhà quản lý trường nghề đến tham gia Hội giảng cũng nhận định, đối với GDNN thì mọi hoạt động đều xoay quanh và lấy người học làm trung tâm. Vì thế, giáo viên phải dựa vào năng lực người học để thiết kế bài giảng phù hợp nhất. Không chỉ vậy, giáo viên còn đảm nhiệm vai trò của người dẫn dắt, chỉ lối đưa đường cũng như thuyết phục người học cả về kiến thức cũng như huấn luyện kỹ năng để học nghề mới đi đến đích. Từ quan điểm này, Phó Hiệu trưởng trường CĐ Du lịch Hải Phòng Nguyễn Thị Hải Hòa khẳng định, trong dạy học GDNN, người thầy chính là “kim chỉ nam”, tạo động lực cho người học. Xu hướng phương pháp giảng bài theo hướng tích hợp là tối ưu để truyền tải kiến thức và hình thành kỹ năng. Khi nhà giáo kết hợp 2 yếu tố này sẽ hình thành được năng lực thực hiện đối với người học để đảm nhiệm được tốt nhiệm vụ nghề nghiệp trong tương lai.