Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang (28/6-1/7) theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin đã trở thành cơ hội phát triển mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Nga dựa trên truyền thống hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau, đặc biệt trên nền tảng thúc đẩy các hợp tác kinh tế, thương mại song phương.
Ba trụ cột cho quan hệ Việt - Nga
Trong khuôn khổ hội đàm song phương,Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, lãnh đạo hai nước đã bày tỏ quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực hợp tác về kinh tế, thương mại, nhất là trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) với Việt Nam đã bắt đầu có hiệu lực từ cuối năm ngoái, góp phần thúc đẩy thương mại giữa hai nước. Thông qua hiệp định này, các nhà sản xuất Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường Nga và các nước Á-Âu khác. Đầu tư giữa hai nước cũng tăng lên đáng kể - đầu tư của Nga tại Việt Nam khoảng 2 tỷ USD, tổng số vốn đầu tư của Việt Nam tại Nga là 2,5 tỷ USD; cùng với đó các cơ chế song phương giữa hai nước đang hoạt động khá hiệu quả. Hai bên đã thống nhất đầu tư hơn 10 tỷ USD vào 20 dự án ưu tiên giữa hai nước, đầu tư 500 triệu USD vào những dự án có triển vọng trong các lĩnh vực mới, như nông nghiệp, dược liệu.
Phát biểu tại Tọa đàmTọa đàm Kinh tế Việt Nam-Liên bang Nga tại Thủ đô Moscow, Liên bang Nga sáng 30/6, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, trong giai đoạn phát triển mới hiện nay, đối mặt với những biến động phức tạp, quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga vẫn tiếp tục phát triển tốt đẹp. Chủ tịch nước cho biết, quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện, đặc biệt giữa Việt Nam và Liên bang Nga được định hình và phát triển dựa trên 3 trụ cột vững chắc, đó là: Quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời; Tình cảm sâu sắc và sự tin cậy chính trị đã được thử thách qua thời gian và khuôn khổ hợp tác chiến lược toàn diện đã được thiết lập trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư. Đồng thời, Việt Nam là nền kinh tế mở và đang tiếp tục chủ động đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế với 12 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Không chỉ thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài, Việt Nam cũng đã đầu tư sang 72 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 21 tỷ USD trong nhiều lĩnh vực như dầu khí, khai khoáng, viễn thông, nông - lâm nghiệp, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, dịch vụ… với những đối tác chính là những quốc gia có quan hệ hữu nghị lâu đời, trong đó có Liên bang Nga. Việt Nam luôn hoan nghênh, tiếp nhận các dòng vốn đầu tư từ Liên bang Nga, nhất là những lĩnh vực mà Nga có thế mạnh, như năng lượng, khai thác dầu khí, lọc hoá dầu, thiết bị công nghiệp, sản xuất ô tô và linh kiện ô tô... Đồng thời, Việt Nam cũng mong muốn Liên bang Nga tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tại Liên bang Nga trong những lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin, sản xuất hàng tiêu dùng, dịch vụ, kinh doanh bất động sản, khai khoáng...Chủ tịch nước mong muốn cộng đồng DN hai nước cùng chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón nhận cơ hội mới, chia sẻ những ý tưởng mới, những giải pháp sáng tạo, phát huy lợi thế, trở thành lực lượng tiên phong trong hợp tác và liên kết kinh tế.
Đối tác kinh tế giàu tiềm năng
Đề cập tới chuyến thăm Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Giáo sư (GS) Vladimir Kolotov, nhà Việt Nam học, Trưởng bộ môn lịch sử các nước Viễn Đông, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc Khoa Phương Đông – Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Peterburg khẳng định, đây là cơ hội để hai nước tăng cường quan hệ kinh tế trước những tiềm năng còn rộng mở. Việt Nam cùng Liên bang Nga là những đối tác kinh tế lâu dài và đồng thời có quan hệ hữu nghị tốt đẹp, duy trì nhiều quan điểm tương đồng trong các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, các hợp tác kinh tế song phương còn chưa tương xứng với kỳ vọng và tiềm năng vốn có. Hai bên cần dành thêm nỗ lực để trao đổi thông tin tình hình phát triển lẫn nhau và với toàn cầu.
Cũng trong tinh thần đó, liên quan tới tiến trình quan hệ song phương Việt - Nga, Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam, ông Konstantin Vnukov nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia đầu tiên ký hiệp định thương mại tự do với EAEU. Thỏa thuận thương mại này có hiệu lực từ ngày 5/10/2016 đã giúp nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 1,1 tỷ USD, tăng 31% trong 4 tháng đầu năm 2017. Đây là tín hiệu đáng mừng cho hai bên để đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều trị giá 10 tỷ USD cho tới năm 2020.
Cùng đề cập đến thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam với EAEU, ông Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, châu Úc và châu Đại Dương của Viện Nghiên cứu Định hướng thuộc Học viện Khoa học Nga nhận định, thỏa thuận này cho thấy sự tin tưởng và hợp tác cấp cao giữa các bên và mở đường cho làn sóng đầu tư Nga-Việt. Phía Nga sở hữu tiềm năng rõ rệt trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng hạt nhân, trong khi Việt Nam có cơ hội màu mỡ trong tiêu dùng, dệt may và công nghiệp thực phẩm, theo ông Mosyakov. “Cơ chế này còn nhiều dư địa phát triển với nhiều nhiệm vụ mới trong thời gian tới… đồng thời cũng là nền tảng quan trọng để quan hệ Nga – Việt tiếp tục lớn mạnh”, Giám đốc Mosyakov nhấn mạnh.
Theo Phó Giáo sư Phương Đông học Anna Kireeva, Phó Trưởng khoa Chính trị học, Trường Đại học Quốc gia Quan hệ quốc tế (MGIMO), Nga cần phải đa dạng hóa cơ cấu thương mại, đặc biệt trong những lĩnh vực Nga và Việt Nam có tiềm năng lớn như năng lượng và nông nghiệp. Hiện Nga rất quan tâm đến nhập khẩu rau quả, hải sản từ Việt Nam, trong khi có thể xuất khẩu sản phẩm thịt, sữa sang Việt Nam. Đây là thời điểm Nga và Việt Nam tận dụng những ưu thế từ FTA. Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử, doanh nghiệp TH Truemilk của Việt Nam đã đầu tư vào khu công nghiệp sữa ở tỉnh Kaluga của Nga và toàn bộ sản phẩm của khu công nghiệp này sẽ được xuất khẩu sang Việt Nam.
“Hợp tác Nga – Việt là nhân tố ổn định khu vực”
Bên cạnh những dư địa kinh tế rộng mở, Đại sứ Konstantin Vnukov khẳng định sự lạc quan về tương lai hợp tác Nga – Việt cũng như mối quan hệ lâu đời này. Cụ thể, quan hệ hai nước đã được nâng tầm lên đối tác chiến lược và các đối thoại cấp cao đã được triển khai sâu rộng trong suốt 5 năm qua. Đại sứ Vnukov khẳng định, chuyến thăm chính thức Liên bang Nga đầu tiên của Chủ tịch nước Trần Đại Quang kể từ khi nhậm chức vào năm 2016 có tầm quan trọng lớn lao. Trước chuyến thăm này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc gặp song phương bên lề các hội nghị ở Lima (Peru) và tại Bắc Kinh (Trung Quốc) trong năm 2016, từ đó tạo nền tảng hiểu biết giữa lãnh đạo hai nước. Đại sứ Vnukov khẳng định tin tưởng hai nước sẽ tiếp tục đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác, hướng tới dịp kỷ niệm 25 năm ký hiệp ước nguyên tắc cơ bản về hợp tác và hữu nghị song phương Liên bang Nga – Việt Nam trong năm 2019 tới. Trong khi đó, Phó Giáo sư Kireeva đánh giá Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng trong chính sách Xoay trục sang châu Á của Nga. Nga chú trọng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực an ninh, và coi đây là nhân tố ổn định cho khu vực. Qua chính sách này, Nga muốn gia tăng sự hiện diện của mình tại Đông Á, tìm kiếm động lực để phát triển và đóng góp cho sự phát triển và nền an ninh của khu vực.