Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cơ hội tái cơ cấu toàn diện VNPT

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - MobiFone đã chính thức tách khỏi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và trực thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) quản lý. Đề án cổ phần hóa MobiFone cũng sẽ được Bộ chủ quản hoàn thiện trong tháng 4 này. Vậy, VNPT sau đây sẽ ra sao?

Gánh nặng trên vai

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, hiện có 76 công ty cổ phần mà VNPT đóng góp dưới 50% vốn điều lệ. Trong phương án tái cơ cấu VNPT mà Bộ và VNPT trình lên Chính phủ, MobiFone sẽ được tách kèm với 62 đơn vị và 2 vệ tinh Vinasat. Theo quan điểm của Bộ TT&TT, MobiFone đang chiếm 48% doanh thu và hơn 60% lợi nhuận của VNPT, vì thế khi ra "ở riêng", MobiFone nên gánh bớt khó khăn cho VNPT. Lập luận này được giới chuyên môn cho là hợp lý. 
 
Tuy nhiên, kết luận cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ là điều chuyển nguyên trạng Công ty Thông tin di động (VMS - MobiFone) từ VNPT về Bộ TT&TT quản lý. Mấu chốt của việc tách MobiFone mà không kèm bất cứ đơn vị nào của VNPT là để thực hiện chủ trương cổ phần hóa. "Các đơn vị còn lại của VNPT nếu kinh doanh không hiệu quả có thể cho phá sản, bán hoặc giải thể để VNPT tập trung vào ngành nghề chính. VNPT tập trung phát triển thị trường, củng cố vị thế mạng VinaPhone để mạng di động này trở thành một trong ba mạng di động chính của Việt Nam" - Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.

Có ở trong tình cảnh của VNPT mới thấy khoảng trống của MobiFone để lại là khó có thể bù lấp trong một sớm một chiều. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại VNPT giai đoạn 2006 - 2011, dự án Vinasat 1 và 2 có tổng mức đầu tư 9.280 tỷ đồng, nhưng đến năm 2011 chưa đảm bảo hiệu quả kinh doanh như kế hoạch được phê duyệt, lỗ vượt dự kiến 329 tỷ đồng. Năm 2012, ngoại trừ MobiFone ghi nhận mức lãi 6.717 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp khác lãi không đáng kể, thậm chí một số đơn vị còn lỗ "đậm", như Công ty Tài chính bưu điện lỗ 635 tỷ đồng… Năm 2013, lợi nhuận của VNPT tăng mạnh so với năm 2012, song chỉ bằng 26% so với lợi nhuận của Tập đoàn Viettel (hơn 35.000 tỷ đồng), riêng lợi nhuận của MobiFone đã chiếm hơn 60% lợi nhuận của cả tập đoàn. 

Chậm tái cấu trúc sẽ mất thị phần

Nếu Viettel vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng thì tình hình kinh doanh của VNPT mấy năm gần đây khá bấp bênh. Tổng Giám đốc VNPT Trần Mạnh Hùng xác nhận, tổng số thuê bao điện thoại phát sinh cước trên mạng của VNPT đến cuối năm 2013 chỉ bằng 78% so với cuối  năm 2012, còn 40,4 triệu thuê bao. Sau chia tách, MobiFone, cách duy nhất để VNPT sinh tồn và phát triển là phải tái cơ cấu toàn diện. Thủ tướng đã đồng ý để các đơn vị kinh doanh không hiệu quả của VNPT có thể cho phá sản, bán hoặc giải thể để Tập đoàn tập trung vào ngành nghề chính. Điều này có nghĩa, Chính phủ đã chấp thuận cho VNPT thoái vốn bằng cách bán cổ phần dưới mệnh giá, đây được xem là một thuận lợi để đẩy nhanh tiến trình tái cấu trúc ở VNPT. 

Vấn đề còn lại là phụ thuộc vào quyết tâm của những người đứng đầu VNPT, nếu không quyết liệt, không thoát khỏi tư duy kinh doanh xưa cũ, thì dù có được tạo điều kiện, VNPT cũng khó củng cố được vị thế của mạng VinaPhone, khó cạnh tranh được với hai đối thủ lớn là MobiFone và Viettel. Chưa kể, nếu chậm tái cấu trúc, phát triển ì ạch, VNPT có thể bị các nhà mạng nhỏ nhưng có các nhà đầu tư "khủng" chống lưng giành thị phần.
 
​Bộ TT&TT vừa có công văn yêu cầu VNPT và Công ty Thông tin di động VMS (MobiFone) giữ nguyên hiện trạng tổ chức bộ máy, nhân sự lãnh đạo, cơ sở vật chất, mạng lưới cho đến khi triển khai tái cơ cấu. Trong trường hợp cần thay đổi về nội dung trên, doanh nghiệp cần báo với Bộ để xin ý kiến trước khi thực hiện.