Có lộ trình khắc phục ngay hạn chế trong cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sau các buổi khảo sát trực tiếp một số địa phương, đơn vị, sáng 23/5, hai đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP có buổi làm việc với Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan về kết quả thực hiện “Năm kỷ cương hành chính 2017” gắn với thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các chỉ đạo về cải cách hành chính.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì. Cùng dự có Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Hoàng Trọng Quyết, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà.
 Toàn cảnh buổi làm việc.
Tại đây, ghi nhận cố gắng của các đơn vị, địa phương được giám sát, đại diện 2 đoàn đã chỉ ra một số hạn chế thể hiện trong quá trình thực hiện các  kiện toàn, sắp xếp tổ chức, bộ máy; quản lý, sử dụng biên chế; thực hiện chính sách TGBC; CCHC, siết chặt kỷ cương hành chính. Đáng chú ý, việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp (ĐVSN) theo Nghị quyết 08/NQ-CP ngày 24/1/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW Hội nghị T.Ư 6 khóa XII như sắp xếp trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm bảo trợ xã hội, trạm chăn nuôi và thú y, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông cấp huyện… chưa đạt tiến độ đề ra.
Thực hiện cơ chế tự chủ ĐVSN và chuyển đổi công ty cổ phần của TP; thực hiện chính sách TGBC tại một số đơn vị cũng chậm. Trong CCHC và siết chặt kỷ cương hành chính, việc tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật một số lĩnh vực còn chậm; phối hợp giải quyết TTHC theo một cửa liên thông còn để chậm muộn trả kết quả…
Làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại này, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết: Thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị và các nghị quyết 18, 19 của Hội nghị T.Ư 6 khóa XII, Hà Nội đã cơ bản sắp xếp, tinh gọn xong toàn bộ cơ quan hành chính, ĐVSN thuộc TP, được T.Ư và dư luận đánh giá cao. Đáng chú ý, số ĐVSN trực thuộc sở giảm 30,2%, ĐVSN công lập cấp huyện giảm tới 53,4%... TP cũng đã xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo kết luận của Bộ Chính trị. Thực hiện chính sách TGBC, từ năm 2016-tháng 4/2019 toàn TP đã phê duyệt danh sách và kinh phí tinh giản theo Nghị định 108, Nghị định 113 được 17 đợt cho 851 người.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở nhận định: Việc sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện gặp khó khăn do cơ sở pháp lý chưa phù hợp khi các thông tư liên tịch của Bộ Nội vụ và bộ chuyên ngành chưa sửa đổi theo thay đổi của Luật. Nhất là chuyển đổi các ĐVSN công lập sang cơ chế tự chủ giai đoạn 2018-2021 gồm cả lĩnh vực giáo dục sẽ khó đạt được chỉ tiêu 10%, do lĩnh vực giáo dục chiếm tới 83,68% tổng đơn vị và 78,92% tổng biên chế viên chức toàn TP, trong khi số đơn vị và biên chế tiếp tục tăng do tăng trường lớp, học sinh.
 Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn kết luận buổi làm việc.
Đặc biệt, sau 5 năm triển khai, nhiều nội dung Luật Thủ đô chưa phát huy hiệu quả khi thực hiện vì chồng chéo về thẩm quyền giữa các bộ, ngành và TP. Vì vậy, Sở kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thủ đô theo hướng tăng thẩm quyền, tự chủ cho TP; Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 24/2014/NĐ-CP và Nghị định 37/2014/NĐ-CP, trong đó sửa đổi quy định tổ chức bộ máy, cơ cấu lãnh đạo trên cơ sở phân loại đơn vị hành chính theo Điều 3 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó Hà Nội được phân loại đô thị đặc biệt.
Qua lắng nghe các ý kiến, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Nội dung giám sát này đã nhiều năm được TP tập trung chỉ đạo thực hiện, kể từ khi có Nghị quyết 39-NQ/TW và sau đó là nhiều nghị quyết, kế hoạch liên quan của T.Ư, TP. Các công tác cơ cấu sắp xếp lại tổ chức bộ máy và siết chặt kỷ cương hành chính, CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hệ thống chính trị rất quan trọng, mà tới đây TP càng phải thực hiện thật tốt trong bối cảnh nhiều nội dung công việc mới phải triển khai theo chỉ đạo của T.Ư, trong đó có thực hiện mô hình chính quyền đô thị.
Ghi nhận toàn TP đã rất tích cực triển khai công tác này, giúp không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hệ thống chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP cũng đề nghị: Các sở, ngành tiếp thu kiến nghị đề xuất của đoàn giám sát để xây dựng giải pháp, lộ trình khắc phục cụ thể.
Trong đó, Sở Nội vụ chú trọng tham mưu TP công tác tuyển dụng CCVC đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tham mưu hiệu quả công tác cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC gắn với TGBC, thực hiện tốt kỷ cương hành chính. Đặc biệt, “nội dung giám sát này sẽ được đưa vào nghị quyết kết luận của Thường trực HĐND TP, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát”, đồng chí nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần