Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có mâu thuẫn với việc giải cứu doanh nghiệp?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Liên tục trong tháng 6 và 7/2012 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm, thế nhưng giá điện, xăng dầu, gas liên tiếp tăng, điều đó được cho là đi ngược lại với chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN).

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường (Bộ Công Thương) xung quanh vấn đề này.

Trong khi DN đang gặp nhiều khó khăn, Liên bộ Tài chính - Công Thương lại cho phép tăng giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện..., việc làm này có mâu thuẫn với chính sách giải cứu DN đang được Chính phủ tiến hành không, thưa ông?

- Tôi xin khẳng định, không có mâu thuẫn giữa việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu và các chính sách giải cứu DN. Trong tất cả các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ đều thống nhất về việc phải vận hành giá theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, riêng giá một số mặt hàng thiết yếu như than, xăng dầu, điện... do liên quan tới người dân và nền kinh tế sẽ được thị trường hóa dần dần theo lộ trình cụ thể.

Với giá xăng dầu, từ năm 2009, Nhà nước đã có chủ trương thực hiện theo cơ chế thị trường. Trong năm 2011, do biến động mạnh của giá xăng dầu thế giới và lạm phát, Nhà nước buộc phải can thiệp vào giá xăng dầu trong nước khiến cho việc thực hiện giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có diễn biến khác so với chủ trương đã đề ra. Gần đây, Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện cơ chế giá thị trường đối với mặt hàng này, tuy mức độ can thiệp của Nhà nước có giảm nhưng vẫn giữ các công cụ về thuế, quỹ bình ổn… khi cần. Riêng với mặt hàng gas, do đã thực hiện thị trường hóa sớm nên việc tăng giá không có gì khó hiểu.

Nhiều ý kiến cho rằng, CPI giảm liên tục trong 2 tháng qua là "điều kiện" để các DN cung ứng những mặt hàng thiết yếu tăng giá, vậy quan điểm của Bộ Công Thương về vấn đề này như thế nào?

- Hiện, giá xăng dầu được điều hành theo cơ chế thị trường tức là phụ thuộc vào giá thế giới, khi giá xăng dầu thế giới tăng hoặc giảm, giá trong nước cũng phải điều chỉnh theo. Tuy nhiên, đây là loại hàng hóa đặc biệt, là thông số đầu vào cho nhiều ngành kinh tế nên việc điều chỉnh giá vẫn được Chính phủ kiểm soát. Việc tăng giá theo trình tự và mức độ tăng chứ không phải DN muốn tăng và giảm bất cứ thời điểm nào và bao nhiêu cũng được.
 
Có mâu thuẫn với việc giải cứu doanh nghiệp? - Ảnh 1
 

Các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện liên tục tăng giá sẽ tăng thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Mạnh Dũng

Việc giá điện tăng 5% vào ngày 1/7 vừa qua là do giá đầu vào tăng. Thực tế, từ cuối tháng 11/2011, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sau khi cân nhắc các yếu tố đầu vào của ngành điện đã đề xuất tăng giá trên 10%. Tuy nhiên, trên cơ sở cân nhắc thận trọng các tác động của việc tăng giá điện nên ở cả hai lần điều chỉnh gần đây nhất (vào ngày 20/12/2011 và 1/7/2012), giá điện mỗi lần chỉ được điều chỉnh ở mức 5%.

Trong mỗi lần điều chỉnh giá điện, ngành Công Thương luôn tính toán để không ảnh hưởng đến hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp. Còn đối với những ngành nghề sản xuất như: xi măng, sắt thép… tăng giá điện cũng chỉ làm tăng không đáng kể cơ cấu giá thành sản xuất sản phẩm. Qua đó, có thể thấy không có chuyện DN vin vào chỉ số CPI giảm để tăng giá hay khi CPI dương thì giảm giá xăng dầu.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để giá xăng dầu không tăng liên tục, Bộ Công Thương có thể ngưng trích Quỹ bình ổn và giảm thuế nhập khẩu, ông có ý kiến gì về nhận định này?

- Hiện, Nhà nước đã cho phép giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, có tăng có giảm theo tín hiệu thị trường và DN phải trích một phần lợi nhuận để thành lập Quỹ bình ổn giá (hiện giá xăng đang trích 500 đồng/lít). Nếu chúng ta cứ can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN sẽ không còn là cơ chế thị trường nữa.

Chính vì vậy, trong đợt tăng giá xăng dầu vừa qua, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương nhận thấy rằng, Nhà nước chỉ nên can thiệp bằng thuế, hoặc cho trích Quỹ bình ổn giá trong một số điều kiện nhất định. Việc làm này là cách để giá xăng dầu phải theo tín hiệu của thị trường. Khi tình hình kinh tế - xã hội đã có những điều kiện thích hợp hơn, Chính phủ lại tiếp tục giảm mức độ can thiệp của Nhà nước vào giá.

Xin cảm ơn ông!