Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có một “Đội đặc nhiệm” ngày đêm bảo đảm an toàn cho lưới điện Thủ đô

Minh Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Nghề sửa điện vốn đã nhọc nhằn và nguy hiểm, nhưng đối với công tác sửa chữa điện nóng (Hotline) thì yêu cầu còn nghiêm ngặt hơn thế khi môi trường bao quanh là dòng điện, chỉ cần một giây lơ là, thiếu tập trung vượt ra khỏi vùng an toàn là nguy hiểm đến tính mạng.

Trong quá trình làm việc, những người thợ Hotline của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) không được phép bất cẩn, phải luôn giữ tâm lý vững vàng và tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình lao động

Đội Hotline làm việc trên lưới điện đến cấp điện áp 22kV
Đội Hotline làm việc trên lưới điện đến cấp điện áp 22kV

Đội đặc nhiệm” chuyên xử lý dòng điện “sống”

Khác với công nghệ sửa chữa điện trước đây, dù là sự cố nhỏ nhất cũng phải cắt điện mới có thể triển khai, sửa chữa điện “nóng” giúp người thợ tiến hành sửa trên đường dây đang mang điện. Đội Hotline có nhiệm vụ thi công, đấu nối, sửa chữa thay thế các thiết bị, xử lý các nguy cơ gây mất an toàn trên lưới điện đến cấp điện áp 22kV. Ưu điểm nổi bật nhất của công nghệ hotline là trong quá trình sửa chữa sẽ không gây mất điện, các hộ dân và các khu công nghiệp vẫn có thể tiến hành sinh hoạt, sản xuất như bình thường.

Đội được trang bị xe gầu chuyên dụng cách điện lên tới 100kV
Đội được trang bị xe gầu chuyên dụng cách điện lên tới 100kV

Sửa chữa điện Hotline mang trong mình rất nhiều đặc thù và phải làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Để trở thành công nhân sửa chữa Hotline, toàn bộ thành viên được tuyển chọn từ những công nhân điện có tay nghề cao, sức khỏe tốt, tâm lý vững vàng từ 30 công ty điện lực thuộc EVNHANOI. Hiện nay đội có 18 thành viên với độ tuổi trung bình trẻ, được huấn luyện, đào tạo thuần thục về công tác sửa chữa trên đường dây đang mang điện áp 22 kV tại các cơ sở uy tín về thi công sửa chữa điện nóng.

Đội trưởng Đội Hotline – Công ty lưới điện cao thế Thành phố Hà Nội Đỗ Hồng Thắng cho biết: “Công việc này có yêu cầu nghiêm ngặt bởi thực hiện trên đường dây đang mang điện, hay còn gọi là “điện sống” nên chỉ được phép tiến hành khi có đủ ánh sáng, không được thực hiện vào ban đêm, hoặc lúc trời mưa gió. Chỉ cần một giây lơ là, hoặc một động tác thừa là sẽ nguy hiểm đến tính mạng của người công nhân”.

Thao trường luyện tập của “Đội đặc nhiệm”
Thao trường luyện tập của “Đội đặc nhiệm”

Đội còn có mô hình hệ thống lưới điện để thực hành tại trụ sở, tạo điều kiện cho các thành viên thường xuyên luyện tập nâng cao tay nghề khi không có lịch công tác. Ngoài ra đây là hiện trường dùng để phục vụ công tác đào tạo công nhân sửa chữa điện nóng mới tuyển dụng.

 Tuyệt đối an toàn

Công tác ngành điện, đặc biệt là công tác sửa chữa điện nóng là công việc đặc biệt nguy hiểm, đòi hỏi chấp hành nghiêm chỉnh quy trình an toàn, các thao tác sửa chữa trên lưới điện phải rất thuần thục.

Có một “Đội đặc nhiệm” ngày đêm bảo đảm an toàn cho lưới điện Thủ đô - Ảnh 1

Mỗi phiên làm việc nhóm công tác sẽ có ít nhất 5 - 7 người để luân phiên thay thế cho nhau. Trong đó hai người thực hiện, hai người giám sát và hai người hỗ trợ. Mỗi công nhân chỉ ở trên thùng xe gàu chừng một tiếng là phải xuống đất thay người khác lên, tuyệt đối không ráng sức dù công việc có nhiều tới đâu nhằm đảm bảo các thao tác thực hiện luôn chính xác, đúng quy trình.

Theo anh Nguyễn Xuân Thọ – chỉ huy trực tiếp nhóm công tác: “Không chỉ vững vàng về chuyên môn, đặc thù công việc sửa chữa điện nóng còn đòi hỏi người thợ có đầy đủ sức khỏe, tâm lý vững vàng và ý thức kỉ luật cao, luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình lao động. Trước mỗi lần lên cột, anh em đều hỏi nhau “khỏe không?”, nếu thấy mệt mỏi trong người là phải báo để thế người khác”.

Mỗi phiên làm việc nhóm công tác sẽ có ít nhất 5-7 người để luân phiên thay thế cho nhau
Mỗi phiên làm việc nhóm công tác sẽ có ít nhất 5-7 người để luân phiên thay thế cho nhau

Các quy trình bảo vệ an toàn sẽ khác hoàn toàn quy trình sửa chữa điện truyền thống. Thay vì xe ô tô bình thường, đội được trang bị 2 xe gầu chuyên dụng cách điện 100kV nhập khẩu nguyên chiếc. Mỗi công nhân được trang bị găng tay, vai áo cao su cách điện 22kV (chỉ cách điện ở vai áo - phần cử động nhiều nhất chứ không phải áo mặc toàn bộ người vì sẽ rất nóng), mũ, giày bảo hộ và các dụng cụ lao động… Tất cả máy móc, dụng cụ đều được nhập khẩu từ các quốc gia có công nghệ hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Ngoài ra, do đặc thù công việc mà đội sửa chữa điện nóng có thêm một thành viên làm giám sát an toàn. “Với công việc của chúng tôi, Tổng công ty nhận thấy đơn vị cần có sự an toàn cao hơn nên bổ nhiệm riêng một đồng chí làm giám sát an toàn. Đối với đồng chí này, gần như 100% ánh mắt phải hướng tới công việc của toàn đội, lúc nào cũng ngửa cổ lên nên nguy cơ lớn nhất là bị vôi hóa đốt sống cổ…”- anh Nghị nói về những khác biệt và khó khăn mà đồng đội của mình phải đối mặt.

Bộ “áo giáp” đặc biệt của người thợ Hotline
Bộ “áo giáp” đặc biệt của người thợ Hotline

Nhiệt huyết và kỷ luật

“Trước khi bước chân vào đội hotline, chúng tôi đã trải qua mấy vòng kiểm định sức khỏe gắt gao của công ty và cơ sở đào tạo. Bản thân chúng tôi cũng ý thức hơn về giờ giấc sinh hoạt, hạn chế bia rượu và tránh thức đêm. Anh em ai cũng rèn luyện thể thao để đảm bảo luôn luôn “tỉnh táo” cho ngày làm việc tiếp theo”- anh Tô Mạnh Dũng thành viên Đội Hotline chia sẻ.

Anh Tô Mạnh Dũng và đồng đội tập trung trong từng thao tác
Anh Tô Mạnh Dũng và đồng đội tập trung trong từng thao tác

Dù công việc sửa chữa điện nóng phải đối mặt với không ít hiểm nguy, nhưng những thành viên trong đội đều khẳng định, nếu chấp hành đúng quy trình thì công việc sẽ được vận hành trôi chảy, an toàn. Mọi thành viên đều cảm thấy rất vui mỗi khi giải quyết xong công việc, vì công sức của mình đã mang lại niềm vui cho mọi người, đóng góp cho thành công chung của ngành điện.

Có một “Đội đặc nhiệm” ngày đêm bảo đảm an toàn cho lưới điện Thủ đô - Ảnh 2
Dù công việc sửa chữa điện nóng phải đối mặt với không ít hiểm nguy, nhưng những thành viên trong Đội Hotline luôn đặt quyết tâm và sự tập trung cao nhất để thực hiện công việc tuyệt đối an toàn
Dù công việc sửa chữa điện nóng phải đối mặt với không ít hiểm nguy, nhưng những thành viên trong Đội Hotline luôn đặt quyết tâm và sự tập trung cao nhất để thực hiện công việc tuyệt đối an toàn

Anh Đỗ Hồng Thắng tự hào chia sẻ: “Tuy rằng công việc tiềm tàng nguy hiểm, nhưng đến nay đội chưa có bất cứ sự cố nào xảy ra, dù là nhỏ nhất. Chúng tôi luôn dặn dò anh em làm công việc này phải lấy mạng sống mình ra đảm bảo, không được phép xảy ra bất kỳ sơ xuất nào”.

 

Ước tính trong năm 2023, đội Hotline sẽ thực hiện khoảng 1.400 phiên làm việc sửa chữa điện nóng, với thời gian thực hiện công việc trung bình là 2,5 giờ tương đương giảm khoảng 3.500 giờ mất điện cho khách hàng. Từng ngày từng giờ, “Đội đặc nhiệm” của EVNHANOI đã và đang góp phần rất lớn trong việc ngăn ngừa, hạn chế sự cố lưới điện để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng dùng điện.