Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có nên chạy đua xây dựng công trình tượng đài Bác?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhu cầu xây dựng công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đang rất lớn; nhiều tỉnh,...

Kinhtedothi - Nhu cầu xây dựng công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đang rất lớn; nhiều tỉnh, thành đang tranh chấp về quy mô dựng tượng; rồi hình thức thể hiện tượng rất nhàm chán… là những góp ý được đưa ra trong hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo Quy hoạch tượng đài Hồ Chí Minh đến năm 2030 do Bộ VHTT&DL tổ chức sáng 22/4.

Nhiều đề xuất có thể bị loại bỏ

134 tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xây dựng trong khuôn viên trụ sở cơ quan, đơn vị, quảng trường, trung tâm hành chính của các tỉnh, thành dường như vẫn chưa đủ với nhu cầu và tình cảm của người dân Việt Nam dành cho Bác. Chính vì vậy, chỉ trong vòng 4 năm trở lại đây, con số đề xuất xây mới công trình tượng đài Bác Hồ gửi đến Bộ VHTT&DL đã lên tới 58. Đại diện Sở VHTT&DL các tỉnh Hải Dương, Hải  Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh… cũng cho rằng, với kỷ niệm 18 lần Bác Hồ về thăm Bắc Ninh, 5 lần về thăm Thái Bình… người dân ở các địa danh này cũng tha thiết muốn xây dựng công trình tượng đài Bác. Thêm nữa, tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên thông báo, năm 2014, Bộ Công an cũng đưa ra đề xuất xây dựng 13 công trình tượng đài Bác Hồ trong không gian trại giam Lâm Thanh (Thanh Hóa), Ngọc Lý (Bắc Giang), Cam Lâm (Quảng Trị)… Nhưng theo ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Nhiếp ảnh mỹ thuật và triển lãm: “Đó chỉ là đề xuất, các công trình này có thực hiện được hay không phụ thuộc vào bản quy hoạch xây dựng ngày hôm nay”.
Công trình tượng đại Bác Hồ tại TP Cần Thơ.
Công trình tượng đại Bác Hồ tại TP Cần Thơ.
 Theo dự thảo Quy hoạch tượng đài Hồ Chí Minh đến năm 2030, địa điểm xây dựng công trình tượng đài Bác Hồ phải gắn với sự kiện lịch sử cách mạng trọng đại của cách mạng Việt Nam, ghi đậm dấu ấn cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là quê hương, nơi Bác đã đến thăm và làm việc. Ngoài ra, dự thảo Quy hoạch cũng gợi mở cho phép một số địa phương có vị trí đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc được đề xuất xây dựng công trình tượng đài dành cho Người. Nếu áp theo các tiêu chí này, chắc chắn đã loại bỏ được đề xuất 13 công trình dựng tượng của Bộ Công an. Ngoài ra, những đề xuất dựng tượng vì kỷ niệm về Bác gắn với 4 câu thơ của tỉnh Bắc Kạn, gắn với công trình đền thờ Bác của tỉnh Bạc Liêu… cũng không được lựa chọn.

Không rập khuôn mẫu tượng

Không phủ nhận bản quy hoạch tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 2004 - 2010 đã hạn chế được các công trình không đạt chất lượng mỹ thuật, nghệ thuật, đảm bảo được không gian kiến trúc xung quanh. Tuy nhiên, PGS.TS Lương Hồng Quang – Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam đánh giá, nhiều tỉnh, thành đang tranh chấp về quy mô xây dựng tượng đài Bác, nên mới có chuyện có những bức bệ tượng 40cm, chiều cao tượng cũng vài mét khiến người dân luôn phải… ngửa cổ ngắm Bác. Địa phương nào kêu gọi được nhiều nguồn xã hội hóa thì tượng càng to, địa phương xây sau phải to hơn địa phương xây trước. Trong khi đó, qua thực tế ở một số quốc gia, quy mô bức tượng không đồng nghĩa với giá trị tên tuổi của vĩ nhân được dựng tượng, mà điểm quan trọng của công trình lại là không gian xung quanh. Đó là chưa kể, quy mô lớn của bức tượng không phù hợp với tính cách giản dị, khiêm nhường của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi còn sống. Ý kiến của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Bộ Xây dựng… đều đề nghị Bộ VHTT&DL bổ sung quy mô xây dựng tượng đài Bác vào bản quy hoạch để đảm bảo tính định hướng dài lâu.

Nhìn dưới góc độ của nhà điêu khắc, các đại biểu cho rằng, không chỉ riêng 134 bức tượng Bác Hồ ở Việt Nam, mà ở 17 bức tượng Bác tại 15 quốc gia trên thế giới đều nhàm chán về hình thức thể hiện hoặc hình tượng Bác đứng vẫy chào, hoặc bán thân. Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh thắc mắc: “Tôi không hiểu vì sao chúng ta cứ để tượng Bác đứng mà không cho Bác ngồi?”. Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thúy Đức cũng thừa nhận, rất nhiều quốc gia đề xuất mẫu tượng Bác Hồ thân thiện, gần gũi, song trở về Việt Nam rất khó để xin được thủ tục đồng ý xây dựng được mẫu tượng đó. Với mong muốn quy hoạch sẽ góp thêm tiếng nói mỹ thuật cho sự thể hiện, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đề xuất Bộ VHTT&DL cần tổ chức những cuộc thi vẽ mẫu tượng Bác Hồ theo chủ đề: Bác Hồ với thiếu nhi, Bác Hồ với nông dân, Bác Hồ với người dân lao động… dựa trên nguồn tư liệu ảnh chụp hiện có để các địa phương có “cái cốt” tham khảo khi xin phép dựng tượng. Hơn nữa, để đảm bảo giá trị mỹ thuật cho các bức tượng, giới điêu khắc cần có tiếng nói thuyết phục nhà quản lý trong quy trình xét duyệt.

Hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo Quy hoạch tượng đài Hồ Chí Minh đến năm 2030 tổ chức sáng ngày 22/4 tại Bộ VHTT&DL mới chỉ là giai đoạn bước đầu trong quá trình xây dựng quy hoạch. Theo dự kiến, sau khi lấy ý kiến, Cục Nhiếp ảnh, mỹ thuật và Triển lãm tiếp tục bổ sung quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý IV/2015. Bản quy hoạch này ra đời sẽ xác định tiêu chí, nội dung và địa điểm, quy mô, hình thức thể hiện công trình xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hy vọng, những công trình ấy sẽ không chỉ mang ý nghĩa tri ân mà còn gắn kết được cộng đồng dân cư của không gian xung quanh đó.