Có nên đấu giá quyền thu phí cao tốc?

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thu hút nguồn lực xã hội hóa để xây dựng hạ tầng giao thông là một hướng đi đúng, song lấy việc nhượng quyền thu phí, thậm chí đấu giá quyền thu phí cao tốc để kéo nhà đầu tư cần phải xem xét lại.

Bởi cách này tiềm ẩn không ít rủi ro, thậm chí đã có bài học nhãn tiền.

Thất bại trong quá khứ

Một trong những chủ đề được dư luận quan tâm đặc biệt trong những ngày qua là câu chuyện của ngành GTVT. Cụ thể, khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc thu hút nhà đầu tư tham gia dự án PPP giao thông thời gian qua chưa hiệu quả tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, để thu hút đầu tư PPP cho các dự án hạ tầng giao thông cần đẩy mạnh thu hút nguồn vốn DN thông qua triển khai hình thức nhượng quyền thu phí và đấu giá quyền thu phí. “Chúng ta cần chủ động thay đổi tư duy khi làm hạ tầng giao thông" – ông Nguyễn Văn Thắng nói.

Trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Phạm Hùng
Trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Phạm Hùng

Người đứng đầu Bộ GTVT khẳng định, sắp tới bộ này sẽ chuẩn bị hoàn thiện điều kiện để cùng các địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thu hút nguồn vốn DN thông qua triển khai hình thức nhượng quyền thu phí và đấu giá quyền thu phí. "Đây là một nội dung đã đặt ra, thực tế nhiều dự án hiện nay chúng ta có khả năng để đấu giá quyền thu phí để DN tham gia vào đoạn sau và Nhà nước rút vốn ra để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông" – ông Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh. Tuyên bố của Bộ trưởng Bộ GTVT lập tức nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, đặc biệt với các chuyên gia.

Trên thực tế, việc đấu giá quyền thu phí cao tốc không phải cách làm mới mà đã được chính Bộ GTVT thực hiện và thất bại từ chục năm trước. Năm 2013, Tổng Công ty Cửu Long được Bộ GTVT giao ký kết và quản lý hợp đồng mua bán quyền thu phí đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương trị giá 2.004,1 tỷ đồng, được thực hiện từ ngày 1/1/2014 - 31/12/2018 với bên mua thông qua đấu giá là Công ty Yên Khánh.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tranh chấp giữa 2 bên bắt đầu nảy sinh. Ban đầu, Công ty Yên Khánh bị bên bán phạt 264,736 tỷ đồng với lý do chậm thanh toán theo điều khoản hợp đồng. Sau đó, Công ty Yên Khánh bất ngờ khởi kiện Tổng Công ty Cửu Long ra tòa với lý do là bên mua đã thực hiện xong các nghĩa vụ thanh toán theo đồng thời đòi Tổng Công ty Cửu Long thanh toán cho bên mua 127,5 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, Tổng Công ty Cửu Long cũng kiện phản tố bên mua, trong đó đáng chú ý nhất là yêu cầu phạt hợp đồng và thu hồi bảo lãnh thực hiện hợp đồng. Sau đó, vụ kiện tụng trên đã nhiều lần được đưa ra xét xử nhưng vẫn không thể đi đến hồi kết. Đến nay, vụ kiện tụng này vẫn được coi là một bài học lớn, đồng thời cũng là một thất bại toàn diện của bên bán trong thương vụ bán quyền thu phí này.

Không phải cái gì cũng mang ra đấu giá

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế bày tỏ thắc mắc không hiểu tại sao Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng lại đề cập đến việc đấu giá quyền thu phí cao tốc như một cách để thu hút nguồn lực tư nhân xây dựng hạ tầng giao thông dù cách làm này đã thất bại đau đớn trong quá khứ. “Vấn đề này tưởng là mới nhưng thực ra là cũ, mà cái cũ đấy đã nhìn thấy hệ lụy rất là rõ rồi” – PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Chuyên gia Ngô Trí Long cho biết thêm, sau khi Bộ trưởng Bộ GTVT nói đến việc đấu giá quyền thu phí cao tốc tại phiên chất vấn ngày 7/11, đã có nhiều đại biểu Quốc hội hỏi quan điểm của ông về vấn đề này, ông đã trả lời thẳng là không nên. “Đành rằng kinh tế thị trường là kinh tế cạnh tranh. Mà đấu thầu là một hình thức cạnh tranh. Cạnh tranh thì có hiệu quả nhưng không phải cái gì cũng mang ra đấu thầu được” – PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.

Phân tích sâu hơn về nhận định trên, chuyên gia Ngô Trí Long cho biết, một trong những vấn đề lo ngại nhất khi thực hiện đấu giá quyền thu phí cao tốc là DN sau khi trúng đấu giá sẽ được toàn quyền quyết định việc thu phí. Khi đó, nguy cơ DN lạm quyền, điều chỉnh giá thu phí vô tội vạ là rất tiềm tàng. “DN tìm cách tìm kiếm lợi nhuận bằng các biện pháp nhằm nâng phí hoặc kéo dài thời hạn thu phí. Khi đó, cả Nhà nước và người dân đều chịu thiệt. Trong khi đó, Chính phủ luôn có chủ trương tiết giảm những chi phí bất hợp lý để khoan thư sức dân” – PGS.TS Ngô Trí Long cho hay.

Trong khi đó, TS Phan Lê Bình – chuyên gia giao thông cho rằng, về lý thuyết, đấu giá quyền thu phí cao tốc sẽ mang lại lợi ích cho Nhà nước. Đó là nhanh chóng có một khoản tiền lớn để tái đầu tư các dự án hạ tầng giao thông khác thay vì phải gom góp trong một thời gian dài. “Nếu thực hiện đấu giá quyền thu phí cao tốc, cái được lớn nhất của Nhà nước là nhận được tiền một cục to. Cái cục tiền to đó thể dùng để đầu tư vào các công trình hạ tầng khác ngay lập tức” – TS Phan Lê Bình nói.

Chuyên gia này đưa ra ví dụ, một tuyến cao tốc được Nhà nước đầu tư xây dựng hết 2.000 tỷ đồng, nếu Nhà nước thu phí thì phải mất 20 – 30 năm mới thu lại được số tiền đó. Nhưng nếu đem đấu giá quyền thu phí, DN sẽ trả luôn số tiền đó trong một hoặc vài lần. Còn DN sẽ thu phí để hoàn vốn cho số tiền họ bỏ ra đó sau. Rõ ràng, xét về mặt lý thuyết, đây là cách làm có lợi cho Nhà nước.

Tuy nhiên, theo TS Phan Lê Bình, khi đem đấu giá quyền thu phí cao tốc, số tiền Nhà nước nhận về sẽ khó cao hơn số tiền đã bỏ ra để đầu tư làm tuyến cao tốc đó, thậm chí là thấp hơn. Còn về vấn đề làm thế nào để tránh tình trạng DN sau khi trúng đấu giá sẽ không tự ý nâng giá thu phí, TS Phan Lê Bình cho biết, điều này phụ thuộc vào những điều khoản chi tiết trong bài thầu đấu giá. Việc đặt ra “luật chơi” cần phải hết sức chặt chẽ nhưng cũng cần bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên. Bởi, nếu “luật chơi” quá khó, DN sẽ không mặn mà còn nếu “luật chơi” quá lỏng lẻo sẽ dễ bị lách để trục lợi.

 

Câu chuyện đấu giá quyền thu phí cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương đã có những vấn đề trong quá khứ thì cần phải biết rút ra bài học từ đó, phải rút ra được kinh nghiệm và không lặp lại chuyện đó nữa.
Chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình

Chủ trương của nhiều nước trên thế giới là cái gì tư nhân làm được nên để họ làm, cùng làm. Còn cái gì họ không làm được hay không được phép làm thì Nhà nước đảm nhiệm. Sau khi Nhà nước làm xong, hoàn thiện các giải pháp có thể chuyển quyền cho tư nhân khai thác, quản lý. Làm được như vậy mới tạo ra sự hiệu quả. Cùng với đó, các quy định đối với DN trúng đấu giá quyền khai thác đường cao tốc phải rất cụ thể. Ngoài thu phí, họ phải có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng đường thường xuyên theo đúng yêu cầu về quy chuẩn, kỹ thuật đường cao tốc hay cùng tham gia thực hiện, giải quyết các vấn đề liên quan đến tai nạn giao thông.
Chuyên gia giao thông, TS Khương Kim Tạo