Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Có nên duy trì kỳ thi “2 trong 1”?

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự kiện gian lận thi cử tại Hà Giang đang tạo nên một làn sóng chấn động dư luận. Hàng trăm bài thi đã bị hủy bỏ và đây trở thành một trong những bê bối nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua của ngành giáo dục. Ngay sau Hà Giang, Bộ GD&ĐT xác định Sơn La là địa phương có những vi phạm tương tự. Và, dư luận vẫn còn nghi ngại, sẽ còn có bao nhiêu "Hà Giang" nữa chưa được phát hiện, phanh phui?

 Ảnh minh họa. Công Hùng
Dẫu Bộ GD&ĐT đã phản ứng quá chậm trước những dấu hiệu bất thường sau khi công bố điểm thi, nhưng người ta vẫn tin, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm minh và khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, qua vụ việc này, có lẽ cần phải nhìn nhận, đánh giá kỹ càng hơn về kỳ thi THPT Quốc gia "2 trong 1" để chuyện thi cử được thực hiện công bằng, nghiêm minh hơn.
Nhìn lại, kỳ thi THPT Quốc gia đã được tổ chức từ năm 2015. Trong 2 năm đầu, kỳ thi do trường ĐH chủ trì từ khâu coi thi đến chấm thi, sở GD&ĐT địa phương chỉ phối hợp. Tuy nhiên, từ năm 2017, vai trò đó đã được hoán đổi với niềm tin đặt trọn vào Sở GD&ĐT. Và cũng từ đây, đã có những sai phạm nghiêm trọng khiến dư luận phẫn nộ.
Trước đó, đã có nhiều chuyên gia, đặc biệt phía các trường đại học top đầu phản đối, bởi họ không tin sẽ chọn được thí sinh giỏi thực sự từ kết quả cuộc thi này. Và hẳn nhiên, hàng loạt thí sinh điểm cao chót vót, khi thanh tra lại bị phát hiện nâng điểm vừa qua đã minh chứng những dự đoán, lo ngại của các chuyên gia là có cơ sở. Chắc chắn kết quả thi năm nay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của các trường ĐH trong việc xét tuyển dựa trên điểm thi của kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Giáo sư một bệnh viện đầu ngành bày tỏ, khi ông dạy ở trường ĐH Y Hà Nội, ông không thể hiểu, có những sinh viên vì sao lại lọt được vào trường y.

Từ câu chuyện này, nhiều ý kiến đề xuất, giải pháp trước mắt cho kỳ thi THPT Quốc gia với mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, là chuyển khâu chấm thi cho ĐH, hoặc Bộ GD&ĐT trực tiếp làm. Về lâu dài, Bộ nên trả việc công nhận tốt nghiệp THPT cho địa phương và trả kỳ tuyển sinh cho các trường ĐH. Nhiều chuyên gia cũng đồng tình, nên xem xét bỏ kỳ thi THPT Quốc gia "2 trong 1", bởi không nên ôm đồm kỳ thi "2 trong 1" ít hiệu quả, khi chỉ để tìm ra 2 - 3% học sinh rớt tốt nghiệp. Về tuyển sinh ĐH, nên giao hẳn để các trường tự chủ là giải pháp tốt nhất ngăn ngừa tiêu cực, họ sẽ chịu chất lượng đầu vào và cả đầu ra. Nếu xóa bỏ được kỳ thi "2 trong 1" như hiện nay, Bộ GD&ĐT sẽ có thời gian và dồn lực để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục, bởi sự nghiệp giáo dục đâu chỉ là xoay quanh một kỳ thi?

Đã đến lúc Bộ nên xem xét thay đổi phương án tổ chức kỳ thi THPT sao cho vừa giảm gánh nặng cho học sinh, gia đình và xã hội nhưng vẫn đảm bảo công bằng trong thi cử và đảm bảo các trường ĐH lựa chọn được người tài thực sự, khẳng định niềm tin của xã hội ở kỳ thi quan trọng này. Đề xuất bỏ kỳ thi "2 trong 1" cũng đáng để Bộ nghiên cứu.