Tại kỳ họp 6, Quốc hội khóa XIV đang xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch (Dự án Luật). Điểm đáng chú ý của Dự thảo Luật này là đề xuất các địa phương sẽ thực hiện song song 2 hệ thống quy hoạch. Một là quy hoạch tỉnh, nằm trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung cả nước; hai là quy hoạch xây dựng (QHXD) tỉnh, tức là hệ thống quy hoạch mang tính kỹ thuật và chuyên ngành hơn. Điều này sẽ giúp cụ thể hóa các định hướng về không gian và vật thể trên địa bàn.
Nên có cả "Quy hoạch tỉnh" và "Quy hoạch xây dựng" cùng trên một tỉnhPGS.TS. KTS Đỗ Tú Lan, nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, QHXD tỉnh có vai trò rất căn bản và có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi tỉnh. Hiện nay nước ta có cấp hành chính địa phương cao nhất là cấp tỉnh, mỗi tỉnh có hệ thống bộ máy hành chính đồng bộ để quản lý Nhà nước, do đó QHXD tỉnh là một công cụ không thể thiếu được để giúp tỉnh có căn cứ quản lý toàn bộ cơ sở vất chất trong tỉnh đồng thời có chiến lược thực hiện từng bước hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong tỉnh theo từng giai đoạn theo điều kiện của mỗi tỉnh.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Ông Nguyễn Thành Hưng, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn quốc gia chia sẻ, ông được biết là có nhiều ý kiến mong muốn tích hợp quy hoạch xây dựng trong quy hoạch tỉnh và cũng có nhiều ý kiến khác cho rằng nên tồn tại đồng thời cả quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng tỉnh.
Theo ông, Quy hoạch xây dựng tỉnh (mà trước đây gọi là QHXD Vùng Tỉnh) là công việc đã được chúng ta thực hiện trong nhiều năm, rất ổn định. Quy hoạch này bản chất vừa là một quy hoạch có tính kỹ thuật chuyên ngành lại vừa có tính tích hợp cao. Đó là hoạch định ra hệ thống, quy mô, hình hài đô thị, vị trí và quy mô các khu công nghiệp, các khu nghỉ dưỡng, các vùng bảo tồn, các vùng sinh thái… và đặc biệt là hệ thống hạ tầng kỹ thuật (đường xá, các công trình đầu mối như nhà ga, bến xe, sân bay, hồ đập, khu xử lý chất thải rắn…). Đây là một quy hoạch dựa trên những tính toán chi tiết về kinh tế và kỹ thuật do vậy nó là công cụ rất tin cậy để tiến hành quản lý và đầu tư tất cả các cơ sở hạ tầng kinh tế trong tỉnh cũng như trong đô thị.
“Do vậy, tôi cho rằng cần thiết phải tồn tại cả Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch xây dựng cùng trên một tỉnh,” ông Hưng bày tỏ.
Bởi, Quy hoạch Tỉnh là công cụ phục vụ việc ra quyết sách ở tầng bậc đó - Đây là Quy hoạch thiên về chính sách tổng thể về KT-XH phi vật thể”. QHXD Tỉnh, đóng vai trò là công cụ để ra quyết sách cụ thể về không gian lãnh thổ, phân định trước về tương lai của đất đai. Đất trong những ranh giới này được định trước để dùng cho các mục đích công cộng như đường sá, trường học, bệnh viện. Đất trong những ranh khác để phát triển nhà ở. Đất trong những ranh khác nữa để làm công nghiệp, thương mại, du lịch, làm nông lâm ngư nghiệp và bảo tồn thiên nhiên…. Đây là Quy hoạch thiên về không gian vật thể.
“Điều này cũng giống như ở cấp Quốc gia. Theo Luật Quy hoạch ở cấp quốc gia chúng ta có Quy hoạch tổng thể quốc gia nhưng chúng ta vẫn cần có các quy hoạch ngành Quốc gia để làm bổ trợ, cụ thể hóa các chiến lược tổng thể. Như vậy, chúng ta mới đảm bảo tính tổng thể và tính cụ thể ở mỗi một cấp độ”, ông Hưng nói.Lập 2 loại quy hoạch có gây lãng phí?Trước ý kiến nếu vẫn giữ quy hoạch xây dựng tỉnh thì các tỉnh đồng thời phải lập 2 loại quy hoạch, gây lãng phí và tạo thêm thủ tục trong thực hiện, ông Hưng cho rằng, quan điểm quy hoạch nhiều là lãng phí là một quan điểm cần phải cân nhắc. Nếu tồn tại cả hai, thì hai loại hình quy hoạch sẽ bổ trợ cho nhau rất hữu hiệu. Khối rubic là một khối lập phương nhưng sẽ được biến hình, biến màu nếu chúng ta cần thay đổi nhưng bản chất là một khối lập phương thì mãi mãi được bảo toàn. Giống như vậy, Quy hoạch tỉnh đưa ra định dạng cho rubic là một khối lập phương và quy hoạch xây dựng sẽ đưa ra kết cấu bên trong để khối rubic đó mỗi mặt có 1 màu hay đủ 6 màu tùy theo mong muốn. Mục tiêu, nguyên tắc thì không đổi nhưng cách hành động thì luôn linh hoạt. Đó là nguyên tắc tối thượng mà mọi loại hình quy hoạch đều hướng tới.
Do vậy, sự cùng tồn tại của hai tầng bậc quy hoạch này phản ánh chính xác sự phân tầng trong việc ra chính sách. Điều này chứng minh rằng hai thể loại quy hoạch này hỗ trợ nhau một cách hiệu quả. Tầng bậc rõ ràng kèm theo tạo cơ chế linh hoạt là cách thiết lập thể chế hiệu quả phù hợp với sự thay đổi liên tục của nền kinh tế thị trường, sự thay đổi của khoa học công nghệ.
“Tôi xin nhấn mạnh rằng, kinh phí để làm quy hoạch quá nhỏ bé so với lợi ích của chúng đem lại. Nếu là cần thiết, chúng ta không ngại nhiều quy hoạch. Chúng ta chỉ sợ quy hoạch làm không đúng – Đó mới là sự lãng phí nguồn lực khủng khiếp nhất”- Phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn quốc gia Nguyễn Thành Hưng nói.