Dân đã đóng góp vào việc phát triển hạ tầng bằng nhiều cách, nhiều phương diện thông qua thuế, phí, theo các chuyên gia, đây là điểm cần phải xem xét.
Tước quyền sử dụng, đội giá thu phí: Có lợi ích nhóm?
Trong tham luận Thực trạng thu phí và những giải pháp để tránh thất thu đối với các dự án BOT đường bộ, Bộ KH&ĐT nêu thực trạng, tiến hành thanh tra 11 dự án BOT trên QL1A thời gian qua, nhiều dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo. Và khi trạm thu phí mọc lên, khách hàng không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận. "Đây là hình thức cưỡng bức sử dụng dịch vụ gây bức xúc, phản đối kéo dài trong thời gian qua"- đại diện Bộ KH&ĐT nêu quan điểm.
Bộ KH&ĐT phân tích: “Nhiều tuyến đường độc đạo này trước đây được xây dựng dựa trên tiền thuế của người dân; được duy tu, bảo dưỡng dựa trên tiền phí của người dân (qua Quỹ bảo trì đường bộ). Tuy nhiên, khi nhà đầu tư (NĐT) vào lập dự án BOT (một số đoạn chỉ là thảm lại bề mặt) và thu phí, lập luận rằng NĐT đang bán phần giá trị gia tăng nhưng thực chất là đã tước đoạt đi quyền sử dụng của người dân đối với một tiện ích vốn thuộc về họ”.
Về khoảng cách giữa các trạm thu phí, có tới 32 trên tổng số 88 trạm thu phí (tương đương 36%) không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70km. “Trong khi đó, tổng mức đầu tư là khái toán, thường có giá trị lớn hơn nhiều so với giá trị quyết toán vốn dẫn đến thời gian thu phí quy định trong hợp đồng BOT thường dài hơn nhiều so với thực tế” - Bộ nhận định. Phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, Nhà nước đã quên mất vai trò, nghĩa vụ của chính quyền với người dân. “Người dân có trách nhiệm nộp thuế, phí để Nhà nước có trách nhiệm cung ứng hạ tầng. Nhưng vì một lý do gì đó, Nhà nước đã để cho NĐT độc quyền thu phí, hạn chế quyền lựa chọn đi lại của người dân. Các NĐT đang tìm cách hưởng lợi trên chính những tiện ích đáng lẽ là của người dân. Đây là những nguyên nhân sâu xa gây ra sự bức xúc của người dân về các dự án BOT” - ông Kiên nhấn mạnh.
Trong khi đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư Nguyễn Đình Cung cho rằng, chính sự thiếu minh bạch, thiếu cạnh tranh trong các dự án BOT đã tạo cơ hội cho nhóm lợi ích được lợi. “Phải tìm trách nhiệm của những người đầu tiên ký kết những dự án này. Cần làm rõ căn cứ vào đâu để ký kết. Họ đã nghiên cứu đầy đủ, thu thập thông tin để đánh giá nhu cầu, đưa ra các phương án và cân nhắc, lựa chọn phương án tốt nhất chưa, phải truy đến tận cùng như vậy”.
Bộ GTVT nên đóng vai trò điều tiết thị trường
Hầu hết các ý kiến chuyên gia trong ngành đều cho rằng, tất cả các sai phạm như phương án thu phí bất hợp lý, phê duyệt tổng mức đầu tư sai lệch, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng thiếu chặt chẽ... do đó cần công tâm trong công tác lựa chọn nhà thầu cũng như kiểm duyệt xây dựng các dự án BOT. Bởi đây là quyền lợi chính đáng của người dân.
Qua kiểm tra cho thấy, phần lớn NĐT vay vốn ngân hàng để đầu tư BOT. Nó không chỉ làm tăng suất đầu tư, tăng phí mà còn là rủi ro của nền kinh tế. Có thể nói là NĐT “tay không bắt giặc”, không có nhiều vốn chủ sở hữu mà chủ yếu đi vay ngân hàng, vừa rủi ro ít, vừa thu lợi nhiều. Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, có nhiều cách tốt hơn như Nhà nước phát hành trái phiếu Chính phủ để đầu tư. Đó là một cách tốt hơn, quản lý minh bạch hơn. Đằng nào cũng là vốn vay, nhưng lãi suất trái phiếu Chính phủ chắc chắn thấp hơn lãi suất tại các dự án BOT. "Tôi không phản đối BOT, tôi cho rằng BOT là một cách tốt, nhưng chỉ là bổ sung thêm trong vốn của nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng. Chứ BOT không phải đóng một vai trò chính" - TS Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm.
Theo ông Cung, vai trò của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt Bộ GTVT nên đóng vai trò điều tiết thị trường, hơn là đứng về phía NĐT. Điều tiết thị trường giữa chủ đầu tư và người tiêu dùng, bảo vệ nhiều hơn lợi ích của người tiêu dùng, người dân và DN hơn là đứng về phía NĐT. “Để yêu cầu NĐT làm một cách tốt nhất, hiệu quả nhất, cung ứng dịch vụ với giá thấp nhất có thể được. Ví như suất đầu tư khoảng từ 5 đến 10 đồng, thì cơ quan Nhà nước giám sát phải buộc họ làm trong phạm vi tối đa là 5 đồng chứ không phải duyệt mức đầu tư lên 10 đồng hay cao hơn nữa” - ông Cung chia sẻ.
Với tư cách là tài sản của Nhà nước thì công trình đầu tư xây dựng theo hình thức BOT phải chịu sự kiểm tra của Kiểm toán Nhà nước. Tại nhiều quốc gia, họ cho rằng quyền lực Nhà nước là do dân ủy quyền cho. Cho nên khi Nhà nước nhân danh người dân ký kết hợp đồng với bên khác thì phải công khai cho dân biết. Nhằm giảm chi phí đầu tư xây dựng thì cần phải tổ chức đấu thầu các dự án công khai, lựa chọn NĐT đủ điều kiện tài chính, năng lực quản lý, chi phí đầu tư thấp nhất. PGS - TS Lê Xuân Trường Học viện Tài chính |