Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cổ phần hóa - cơ hội để Hanel chuyển mình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kế hoạch, ngày 14/4, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ tổ chức bán đấu giá 19,1 triệu cổ phần của Hanel ra ngoài công chúng với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần.

Việc tham gia quản lý và sử dụng nhiều khu đất vàng, tham gia vào nhiều dự án lớn của Chính phủ… đang được đánh giá là điểm hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Doanh nghiệp tham gia nhiều dự án CNTT lớn

Công ty TNHH MTV Hanel trước đây là Công ty Điện tử Hà Nội, được thành lập vào năm 1984, là DN đầu tiên của TP Hà Nội trong sản xuất các chủng loại thiết bị điện tử. Hiện DN này hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghệ thông tin (CNTT), kinh doanh thương mại, đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực điện tử. Hanel còn trở thành nhà phân phối chính thức sản phẩm Samsung, màn hình AOC lớn nhất tại Việt Nam. Từ năm 2012 – 2014, tổng doanh thu của Hanel tăng từ 619,1 tỷ đồng (2012) lên 626,1 tỷ đồng (2013) và 884,2 tỷ đồng (2014).
Kiểm tra hàng hóa trước khi xuất kho tại Công ty TNHH MTV Hanel.  	Ảnh: Công Hùng
Kiểm tra hàng hóa trước khi xuất kho tại Công ty TNHH MTV Hanel. Ảnh: Công Hùng
Tiềm năng được nhiều nhà đầu tư “ngắm” đến của Hanel là một loạt các dự án hợp tác với các bộ, ngành mà DN này đang thực hiện. Cụ thể, trên lĩnh vực khoa học công nghệ và CNTT, Hanel đã tập trung vào nghiên cứu, hợp tác, đầu tư các lĩnh vực CNTT trọng điểm với các giải pháp và dịch vụ hành chính công với đối tượng khách hàng chính là UBND các tỉnh, TP, Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, Bộ GTVT, Quốc hội điện tử. Hiện, công ty đã hoàn thành xong dự án cân điện tử kiểm tra trọng tải xe ô tô cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đồng thời cung cấp hệ thống CNTT cho Bộ GTVT thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, từng bước hiện thực hóa yêu cầu của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian thông quan hàng hóa. Thời gian tới, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Y tế sẽ triển khai thực hiện cơ chế này.

Hanel cũng đang tham gia các dự án cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực điện tử, CNTT, viễn thông tiêu biểu như dự án Khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội với diện tích 43,4ha, tổng mức đầu tư 630 triệu USD; dự án điểm thông quan nội địa TP Hà Nội tại Cổ Bi, huyện Gia Lâm diện tích 19,2ha với tổng mức đầu tư hơn 781,8 tỷ đồng.

Sức hấp dẫn nhờ “đất vàng”

Một trong những lợi thế mà nhà đầu tư thấy ở Hanel là công ty đang quản lý, sử dụng một số nhà đất tại 128C Đại La, nhà A12 tập thể Khương Thượng, 36 Hàng Bông, số 2 Chùa Bộc, Khu công nghiệp Sài Đồng B (Hà Nội), khu đất đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hải Phòng). Các lô đất tại địa điểm số 60 Nguyễn Đức Cảnh, 409 Lĩnh Nam, phường Phúc Lợi (quận Long Biên), xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm), lô 2 E9 Phạm Hùng tiếp tục được Hanel thực hiện các dự án xây dựng công trình hỗn hợp văn phòng dịch vụ và nhà ở cao tầng, khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội và điểm thông quan nội địa TP.

Thời gian tới, Hanel sẽ tăng cường triển khai các dự án khoa học công nghệ lớn như dự án truyền hình qua internet Hanel – IPTV, dự án đầu tư thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ truyền hình số mặt đất khu vực Đồng bằng sông Hồng, hệ thống camera giám sát – xử lý vi phạm giao thông bằng hình ảnh trên QL1 và TP An Giang, dự án sàn giao dịch vận tải và sàn giao dịch thương mại điện tử nông nghiệp… Năm 2016, Hanel đặt mục tiêu tăng trưởng 5% so với năm 2015. Các dự án lớn như khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội, cảng cạn ICD Cổ Bi, dự án khoa học công nghệ bắt đầu được khai thác và đi vào hoạt động trong giai đoạn 2017 – 2018. Tổng doanh thu trong 3 năm dự kiến đạt từ 730 tỷ đến 1.096 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 26,4 tỷ - 202,2 tỷ đồng; tỷ lệ trả cổ tức lần lượt là 4,6%; 4,9% và 6,7%.
Đến cuối năm 2015, tổng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại DN đạt hơn 1.925 tỷ đồng. Theo phương án cổ phần hóa, Nhà nước sẽ tiếp tục nắm giữ 29% vốn điều lệ của Công ty CP Hanel. Người lao động sẽ được mua ưu đãi 125.800 cổ phần; cổ đông chiến lược được mua 117,4 triệu cổ phần, tương đương 61%.
Sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, với việc sở hữu 10 công ty con, Hanel dự kiến tái cơ cấu các đơn vị thành viên thông qua hình thức giải thể, thoái vốn, sáp nhập, thành lập mới. Các công ty mới sẽ chia thành 4 nhóm theo chức năng: Giải pháp công nghệ; sản xuất và thương mại, dịch vụ; hạ tầng công nghệ, bất động sản.