Đây sẽ là doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) lớn đầu tiên CPH trong năm 2014, hứa hẹn một năm sôi động của các đợt IPO (bán cổ phần lần đầu ra công chúng) và đổi mới DNNN.
Những dấu hiệu tích cực
Nếu như ở thời điểm thị trường chứng khoán (TTCK) sôi động như trước đây, IPO của Viglacera còn được quan tâm hơn nữa và sẽ có nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia đợt đấu giá. TCT có quỹ đất dồi dào lên tới 1.200 ha, nhạy bén trong kinh doanh bất động sản (BĐS), đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng. Ngoài ra, tỷ lệ bán ra công chúng tới 25%, tiến tới Nhà nước sẽ giảm sở hữu xuống còn 51%, sẽ tạo cơ hội cho các NĐT khác tham gia điều hành, quản trị DN. Bên cạnh đó, theo ông Luyện Công Minh -Chủ tịch HĐTV Viglacera, TCT sẽ niêm yết cổ phiếu (CP) sau 1 năm nữa, đồng nghĩa với tính thanh khoản của CP gia tăng, tạo sự hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư lớn. Bởi vậy, mức giá 10.300 đồng/CP khởi điểm được nhiều công ty chứng khoán (CTCK) đánh giá là hợp lý để đầu tư.
Viglacera là một trong nhiều TCT, tập đoàn khởi động chương trình cổ phần hóa (CPH) từ đầu năm 2013 và sau hơn một năm mới có thể đưa CP ra công chúng. Sau đợt IPO của Viglacera, thị trường đón đợi CP của Vietnam Airlines ra mắt. Bên cạnh đó, một loạt các DN ngành giao thông, xây dựng, DN trực thuộc các TP cũng có kế hoạch CPH trong năm 2014. Từ thông điệp được Thủ tướng Chính phủ đưa ra trong cuộc họp triển khai kế hoạch 2014 của Bộ GTVT và Tập đoàn Dầu khí về việc quyết liệt CPH và đổi mới DN đến những động thái về chính sách gần đây, giới chuyên gia nhận định, năm nay sẽ là một năm sôi động của CPH. Nhận định này xuất phát từ những chuyển động về những chính sách mới ban hành như: Cụ thể hóa quy định định giá đất dựa trên lợi thế vị trí, hay cho phép bán CP dưới mệnh giá sẽ giúp các DN nhanh chóng xử lý được những nút thắt trước đây về định giá tài sản DN, một trong những điểm gây chậm trễ IPO của nhiều DNNN lớn…
Một chuyển biến nữa được phân tích sẽ tạo động lực cho các đợt CPH đó là nhận thức và gắn trách nhiệm của việc đổi mới DN với lãnh đạo DN. Tại Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng tuyên bố: "DN nào không thực hiện được sẽ thay người đứng đầu". Với những gì vị Bộ trưởng này đã làm ở Tập đoàn Dầu khí trước đây, người ta có thể tin sẽ có sự chuyển biến tới đây trong công tác CPH các DN thuộc Bộ GTVT.
Dồi dào nguồn hàng cho thị trường
Cơ chế bán vốn Nhà nước tại các DN CPH phải đổi mới là một thực tế mà Chính phủ, các bộ, ngành đang tìm cách tháo gỡ. Đại diện Bộ Tài chính cho hay, dự kiến quý I/2014, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết cho phép DNNN được bán vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá, nhằm thúc đẩy CPH, thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
Trong khi đó, năm 2014 được nhận định là năm thuận lợi cho TTCK. Trước hết, kinh tế vĩ mô đã có nhiều khởi sắc, trong đó, lãi suất, vàng và tỷ giá ổn định. Bất động sản mặc dù chưa thực sự hấp dẫn trở lại nhưng cũng đã có những dấu hiệu "ấm lên" sau một loạt các giải pháp được đưa ra hỗ trợ thị trường này. Do vậy tiền sẽ chảy vào chứng khoán, tạo cơ hội khiến thị trường này sôi động và thu hút các nhà đầu tư tham gia. Đây sẽ là nhân tố giúp các đợt IPO thành công, thúc đẩy việc CPH của DN.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, năm 2013, cả nước chỉ CPH được hơn 100 DN, chưa hoàn thành kế hoạch năm. Trong 2 năm 2014 - 2015, sẽ có gần 5.000 DN thuộc diện CPH. Nếu không thúc đẩy sớm việc này trong năm 2014, kế hoạch trên sẽ không thực hiện được. Những động thái mạnh mẽ của cơ quan quản lý và bản thân các DN ngay từ đầu năm 2014 sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong lĩnh vực này.
Dự án nhà ở xã hội Đặng Xá, Gia Lâm do Tổng Công ty Vigracera xây dựng đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thanh Hải
|