Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cổ phiếu lại bị bán tháo, chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất 8 tháng

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên 25/10 khi nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu do lo ngại Fed sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn.

Chỉ số S&P 500 lần đầu tiên mất mốc 4.200 điểm kể từ tháng 5 khi đóng cửa phiên ngày 25/10. Ảnh: CNBC
Chỉ số S&P 500 lần đầu tiên mất mốc 4.200 điểm kể từ tháng 5 khi đóng cửa phiên ngày 25/10. Ảnh: CNBC

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số S&P 500 mất giảm 1,43%, xuống còn 4.186,77 điểm. Chỉ số này chứng kiến lần đầu tiên giảm xuống dưới ngưỡng  4.200 điểm kể từ tháng 5.

Chỉ số Nasdaq Composite sụt 2,43% về còn 12.821,22 điểm, ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 21/2. Chỉ số Dow Jones cũng hạ 105,45 điểm, tương đương 0,32% xuống 33.035,93 điểm.

Cổ phiếu Alphabet - công ty mẹ của Google, sụt tới 9,5% xuống mức thấp nhất trong 3 tháng, sau khi báo cáo hoạt động kinh doanh đám mây tăng trưởng chậm nhất trong 11 quý. Cổ phiếu loại A của Alphabet ghi nhận phiên giao dịch tệ nhất kể từ tháng 3/2020. Lĩnh vực dịch vụ truyền thông trong nhóm chỉ số S&P 500 giảm 5,9% khi khép phiên giao dịch.

Một số cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn cũng nhuộm sắc đỏ, trong đó Apple và Amazon lần lượt giảm 1,3% và 5,6%.

Tuy nhiên, cổ phiếu Microsoft tăng 3% trong phiên này sau khi công ty công bố kết quả kinh doanh vượt dự báo của giới phân tích.

Mặc dù mùa báo cáo tài chính quý 3 đang ở những ngày cao điểm, giới đầu tư vẫn quan tâm đặc biệt đến diễn biến trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ sau khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm vừa chạm đỉnh trong 16 năm.

Trong ngày 25/10, lái suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng thêm gần 11 điểm cơ bản, lên mức 4,95%. Đầu tuần này, lợi suất của kỳ hạn 10 năm có lúc vượt 5% - mức cao nhất kể từ năm 2007, khiến nhà đầu tư lo ngại và gây áp lực cho nhóm cổ phiếu công nghệ.

Chuyên gia Edward Moya của công ty Oanda nhận định với trang CNBC: “Bên cạnh kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết trên thị trường Phố Wall, giới đầu tư cũng không thể bỏ qua diễn biến của thị trường trái phiếu. Chúng tôi chưa từng chứng kiến đà tăng mạnh của lãi suất trái phiếu như gần đây kể từ năm 1982, và điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cổ phiếu”.

Tính đến ngày 25/10, đã có khoảng 146 công ty thuộc nhóm chỉ số S&P 500 đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3. Trong số đó, gần 80% đạt lợi nhuận tốt hơn kỳ vọng.

Giới phân tích đang dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các công ty trong nhóm S&P 500 đạt bình quân 2,6% trong quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự báo tăng 1,6% đưa ra hồi đầu tháng này.

“Kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết có tác động đến tâm lý của giới đầu tư, song vấn đề lo ngại nhất hiện tại là lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt”- chiến lược gia trưởng về thiị trường Ryan Detrick của công ty Carson Group nói với Reuters.

Theo chuyên gia Detrick, nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu khởi sắc và đó có thể lý do chính khiến lãi suất tiếp tục tăng mạnh.

Giới đầu tư đang gia tăng lo ngại rằng đà tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tạo điều kiện để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ trong thời gian lâu hơn để đưa lạm phát về mục tiêu 2%.

Việc giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài sẽ đặt ra thách thức đối với nền kinh tế trong dài hạn.

Phát biểu với đài CNBC, chuyên gia kinh tế trưởng Torsten Slok tại Apollo Global Management cho rằng Fed đã thắt chặt chính sách vượt kỳ vọng của thị trường.

Theo chuyên gia Slok, lãi suất quỹ liên bang thực tế đang là 7% chứ không phải 5% khi tính đến việc ngân hàng Trung ương Mỹ thu hẹp bảng cân đối kế toán. “Chính sách tiền tệ của Fed đã thắt chặt hơn những gì mà thị trường đánh giá, đơn giản là vì những công cụ khác trong tay ngân hàng trung ương cũng đang gây áp lực suy giảm lên nền kinh tế” - ông Slok lưu ý thêm.