VN-Index vượt đỉnh 1.290 điểm
Ngay những phút mở cửa phiên đầu tuần (10/6), dòng tiền bơm vào thị trường trở nên mạnh mẽ. Có thời điểm VN-Index tăng gần 10 điểm, nhưng sau đó, tâm lý thị trường thận trọng khiến điểm lại giảm về cuối phiên. Kết phiên, VN-Index tăng hơn 3 điểm (tương đương 0,24 %) lên 1.290,67 điểm, chính thức vượt mốc 1.290 điểm.
Thanh khoản toàn thị trường đạt gần 25 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền tập trung vào nhóm ngân hàng với gần 3,8 nghìn tỷ đồng. Theo sau là nhóm bất động sản 2,7 nghìn tỷ đồng. Đồ uống và thuốc lá đứng thứ 3 với 2,2 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt tiếp theo đó là vận tải với 2,1 nghìn tỷ đồng.
Trong nhóm 10 cổ phiếu tác động tích cực nhất tới VN-Index, đứng đầu là “ông lớn” ngành cao su GVR; bên cạnh đó là 4 cổ phiếu ngân hàng gồm CTG, MBB, STB, HDB; 2 cổ phiếu ngành vận tải biển là GMD và PVT; ngoài ra còn có “ông lớn” ngành công nghệ FPT và ngành bán lẻ MWG và “đại gia” xăng dầu PLX.
Cổ phiếu các ngành tôn mạ, thuỷ sản và cao su cũng tăng mạnh trong phiên 10/6. Cụ thể, HSG và NKG của ngành tôn mạ tăng lần lượt 2,13% và 3,11%; VHC, ASM, ANV và IDI của ngành thuỷ sản tăng lần lượt 2,98%, 3,33%, 2,16% và 5,42%; GVR, DRC và DPR tăng lần lượt 3,43%, 2,76% và 6,98% (tăng kịch trần).
Giá cước lên đỉnh, cổ phiếu vận tải thăng hoa
Gây ấn tượng đặc biệt trong phiên là cổ phiếu ngành vận tải biển. Trong bối cảnh tình trạng tắc nghẽn cảng biển lan rộng tại châu Á có thể khiến giá cước vận chuyển container neo ở mức cao trong nhiều tháng, hàng loạt cổ phiếu vận tải biển Việt Nam tăng vọt. Theo đó, GMD tăng 4,2% và PVT tăng 5,56% lọt nhóm 10 cổ phiếu tác động tích cực nhất tới VN-Index (như đã đề cập ở trên); cùng với đó, VSC tăng 4,41%, PVP tăng 3,87% và hàng loạt cổ phiếu tăng kịch trần như HAH, VOS, VTO, GSP.
Các cổ phiếu nhóm này đang tiếp tục ghi nhận sự quan tâm của dòng tiền khi thị trường vận tải biển vài tuần qua đang có những thay đổi chóng mặt, giá cước vận tải tăng gấp đôi.
Báo cáo từ công ty môi giới tàu Intermodal cho biết, cách đây vài tuần, thị trường vận tải container khá cân bằng (sau diễn biến tăng đột biến do xung đột ở khu vực Biển Đỏ). Tuy nhiên, với sự gián đoạn nghiêm trọng (ảnh hưởng lớn đến lịch trình vận chuyển, kéo dài thời gian hành trình, tắc nghẽn cổ chai ở các trung tâm trung chuyển lớn của châu Âu, châu Á) và sự hồi phục của cước phí giao ngay trên các tuyến thương mại chính, đã khiến giá cước tăng đột biến.
Hoạt động xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ làm cho khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không và đường biển của Việt Nam tăng lên (ước tính) lần lượt 40% và 30% so với cùng kỳ năm trước trong quý I/2024. Kết quả khiến các cổ phiếu trong ngành này tăng mạnh.
Nếu tính từ đầu năm nay, nhiều cổ phiếu logistic liên quan vận tải, cảng biển…như HAH đang có mức tăng 25,8%, GMD tăng 22,27%, VSC tăng 21,18%, còn VOS tăng vọt hơn 68%, VTO không kém cạnh tăng 57% và tăng vọt như SGP tăng 72%.